Nếu bạn là một người dễ bối rối xấu hổ, bạn có thể tìm thấy sự an ủi trong những gì mà các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley báo cáo trong một bài báo công bố trực tuyến tháng này trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý học xã hội: họ cho rằng biết bối rối vừa phải là một điều tốt, bởi vì điều đó có nghĩa là bạn cũng có thể đáng tin cậy và rộng lượng hơn.
Tác giả chính Matthew Feinberg, một nghiên cứu sinh cao học ngành tâm lý tại Đại học California, Berkeley, nói với báo chí rằng "bối rối xấu hổ đúng đắn là biểu hiện của đức hạnh".
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy bối rối xấu hổ là một điều tốt, không phải là điều bạn nên đấu tranh chống lại”, ông nói thêm.
Đồng tác giả Robb Willer, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học California, Berkeley, cho biết xấu hổ là “một phần của sự gắn kết xã hội nuôi dưỡng sự tin tưởng và hợp tác trong cuộc sống hàng ngày”,
Các nhà nghiên cứu rất muốn chỉ ra rằng dạng hơi bối rối xấu hổ mà họ nghiên cứu rất khác biệt so với “xấu hổ”, cảm xúc mà người ta thường thể hiện khi bị bắt gặp gian lận hoặc thực hiện một số sự vi phạm đạo đức khác.
Hơi bối rối xấu hổ là một “cảm xúc được xã hội ủng hộ” trong khi xấu hổ là một “sự lo lắng về mặt xã hội, gây suy nhược cơ thể”, theo xác nhận của các nhà nghiên cứu, và họ cũng có những cử chỉ và cách diễn đạt khác nhau điển hình.
Mọi người thường thể hiện sự bối rối bằng cách nhìn chằm chằm xuống một phía trong khi che mặt bớt một phần.
Khi mọi người bày tỏ sự xấu hổ trái ngược với bối rối, họ thường che toàn bộ khuôn mặt, Feinberg nói.
Những cảm xúc có lợi về mặt xã hội được cho là hoạt động ở một mức độ cơ bản trực tiếp để duy trì quan hệ hợp tác, bỏ qua nhận thức hay suy nghĩ. Mô hình này là trái ngược với mô hình hành vi được sử dụng bởi các nhà kinh tế giả định rằng các tiến trình tối ưu hoá nhận thức là tâm điểm của những gì dẫn dắt cho hành vi được điều khiển về mặt xã hội.
Tác giả thứ ba là là nhà tâm lý học tại Đại học California, Berkeley: Dacher Keltner, một chuyên gia về những cảm xúc được xã hội ủng hộ.
Để đạt được phát hiện của họ, Feinberg, Willer và Keltner đã thực hiện một loạt các thí nghiệm để xem xét mối liên hệ giữa sự bối rối xấu hổ và tính được xã hội ủng hộ.
Trong thí nghiệm đầu tiên, họ quay 60 sinh viên đại học nói về những khoảnh khắc lúng túng chẳng hạn như đưa ra những giả định không chính xác về người ta dựa trên vẻ bề ngoài của họ (ví dụ như cho rằng một phụ nữ trong to béo là đang có bầu), và làm những việc đáng xấu hổ đại loại như đánh rắm ở nơi công cộng. Khi xem những bộ phim đã quay, các nhà nghiên cứu mã hóa mỗi câu chuyện của người tham gia dựa trên mức độ bối rối mà họ biểu hiện.
Trong một thí nghiệm thứ hai, các sinh viên đại học chơi một trò chơi gọi là “Trò chơi của nhà độc tài”. Điều này được sử dụng bởi các nhà kinh tế để đo lòng vị tha. Trong trò chơi này, mỗi người chơi nhận được 10 vé xổ số và được hướng dẫn giữ một số và cho một người cùng chơi phần còn lại. Liên hệ giữa các kết quả này với những thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người tham gia đã cho đi nhiều vé xổ số hơn thường cũng sẽ có thể có biểu hiện bối rối nhiều nhất trong các băng video đã quay.
Trong thí nghiệm thứ ba, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm 38 người tham dự Mỹ khác ứng tuyển thông qua Craigslist, một cộng đồng trực tuyến có quảng cáo phân loại tự do và dịch vụ thông tin khác, cho biết họ có thường xuyên cảm thấy bối rối xấu hổ hay không. Họ cũng tham gia thử nghiệm như "game độc tài" để khảo sát sự rộng lượng và sẵn sàng hợp tác của họ.
Trong thí nghiệm thứ tư, những người tham gia quan sát trong khi một diễn viên được đào tạo đóng vai cho hay anh ta đã nhận được điểm số cao nhất trong một bài kiểm tra. Diễn viên biểu hiện cảm xúc có cả bối rối lẫn tự hào. Sau đó, những người tham dự sẽ chơi chung với diễn viên này, trong khi các nhà nghiên cứu đo mức độ mà họ tin tưởng anh ta hay không. Sau đó, họ liên hệ các kết quả đo được này với việc những người tham gia đã quan sát diễn viên thể hiện niềm tự hào hay bối rối ở phần trước đó của thí nghiệm.
Mỗi lần, các kết quả đều như nhau: người tham gia tin cậy diễn viên nhiều hơn nếu họ đã quan sát thấy anh ta thấy bối rối, và họ tin tưởng anh ta ít hơn nếu họ đã nhìn thấy anh ta thể hiện niềm tự hào.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những thử nghiệm này:
“... tiết lộ rằng các những người quan sát đánh giá đối tượng biết bối rối là đáng tin tưởng và tương đối dễ hòa đồng hơn so với những đối tượng biểu thị một cảm xúc khác hoặc không biểu thị cảm xúc.”
Bối rối là tín hiệu giúp mọi người dễ được xã hội ủng hộ, Feinberg nói:
“Bạn sẽ muốn giao du với họ hơn, bạn cảm thấy thoải mái khi tin tưởng họ”, ông giải thích.
Tuy nhiên, một người nên cẩn trọng khi xem các phát hiện này là chân lý: liệu các phát hiện này có nghĩa là những người tự tin quá mức sẽ không được tin tưởng? Không phải như vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, nhưng họ có thể nghiên cứu về điều đó trong tương lai.
Tác giả: Tiến sĩ Catharine Paddock
Bản quyền: Medical News Today