Nghị viện Hy Lạp vừa quyết định thông qua gói biện pháp thắt chặt chi tiêu mới nhất.
Ngoại trừ một trong các đại biểu của đảng Pasok cầm quyền, tất cả các nghị sĩ đều bỏ phiếu tán thành luật này.
Quyết định chuẩn y được đưa ra bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài hai ngày chống lại các điều khoản của luật này, bao gồm cắt giảm lương khu vực công và tăng các khoản thuế.
Một người chết khi nổ ra các cuộc xô xát tại cuộc tuần hành lớn bên ngoài nghị viện Hy Lạp ở Athens.
Các phương tiện truyền thông Hy Lạp nhận diện người chết là một công đoàn viên tuổi trung niên.
“Người biểu tình chết do đau tim,” đó là lời Thứ Trưởng Bộ Bảo Vệ Công Dân Manolis Othonas nói với Reuters. “Ông ấy không bị thương khi xảy ra các sự cố.”
Đất nước này đang chìm đắm vào cuộc tổng bãi công 48 tiếng đồng hồ để phản đối cắt giảm.
Dự luật của chính phủ là điều cần thiết để có được các khoản vay cứu nguy từ EU và IMF.
Louka Katseli, đảng viên đảng xã hội chủ nghĩa cầm quyền bỏ phiếu chống lại dự luật, đã bị Thủ Tướng George Papandreou khai trừ khỏi đảng.
Công chức, chủ tiệm, công nhân cảng, tài xế taxi, bác sĩ, luật sư, giáo viên, thợ xây và những người khác tất cả đều tham gia vào cuộc bãi công, bắt đầu hôm thứ Tư.
Ước lượng có khoảng 50.000 người biểu tình tập trung ở Quảng Trường Syntagma, trước mặt nghị viện, vào hôm thứ Năm.
Dự luật này bao gồm kế hoạch cắt giảm thêm lương và lương hưu cộng với 30.000 người thuộc khu vực nhà nước tạm thời mất việc.
Khi Hy Lạp không còn khả năng vay ở các thị trường trái phiếu quốc tế để trả nợ, EU và IMF đã nhập cuộc bằng hai gói giải cứu tài chính.
Bộ Trưởng Tài Chính Evangelos Venizelos mô tả chọn lựa này đang ở mức độ giữa “tình thế khó khăn và thảm họa”.
Ông nói, “chúng tôi phải giải thích với đám đông bất bình nhìn thấy cuộc sống của họ thay đổi rằng điều mà đất nước đang trải qua không phải là giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng,”
“Đó là nỗ lực đau khổ và cần thiết để tránh lâm vào mức độ cùng cực, sâu sắc nhất và khắc nghiệt nhất của cuộc khủng hoảng.”
Có nhiều lo ngại nếu chính phủ Hy Lạp không trả được nợ, sự việc sẽ kích phát một phản ứng dây chuyền có thể nhấn chìm các nhà băng và các nước thuộc khối euro khác đang chìm trong nợ.
Nhưng chính phủ này đang nỗ lực thuyết phục các bên cho vay rằng họ đang cắt giảm ở mức rất hiệu quả. Hy Lạp tuyên bố cần tiếp 8 tỷ euro (11 tỷ đô-la; 7 tỷ bảng Anh) trong đợt giải cứu thứ nhất đã thỏa thuận đến năm rồi hoặc họ sẽ sớm mất khả năng chi trả.
Chi tiết của kế hoạch giải cứu thứ hai vẫn còn chờ hoàn tất. Các ngân hàng đồng ý chịu lỗ 21%, tức là “cắt tóc”, trên các khoản cho Hy Lạp vay nhưng ngày càng có nhiều áp lực buộc họ phải chịu lỗ nhiều hơn.
Các lãnh đạo quốc gia Châu Âu và các lãnh đạo tổ chức tài chính toàn cầu đang cố vạch ra một kế hoạch rộng hơn để giải quyết khủng hoảng nợ của khối sử dụng đồng euro trước cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần tại Bỉ.
Nhưng giờ họ phải thừa nhận rằng sẽ không đạt được thỏa thuận vào ngày Chủ Nhật và kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nữa vào tuần tới để thông qua thỏa thuận.