Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc – là chứng viêm đỏ lớp màng trong suốt bao bọc tròng trắng mắt và màng trên phần mí mắt trong. Đau mắt đỏ thường là do vi-rút hoặc nhiễm khuẩn gây ra nhiều nhất, mặc dù dị ứng, các chất hoá học, và nhiều bệnh tiềm ẩn khác cũng có thể là nguyên nhân.
Bệnh đau mắt đỏ có lây không?
Bệnh đau mắt đỏ do vi-rút và vi khuẩn gây ra hết sức lây lan. Nó dễ dàng lây lan qua việc rửa tay không sạch hoặc bằng cách dùng chung đồ vật (chẳng hạn như khăn tắm) với người nhiễm bệnh. Bên cạnh đó bệnh cũng còn lây lan qua ho và hắt hơi. Trẻ bị chẩn đoán là đau mắt đỏ nhiễm trùng nên nghỉ học hoặc không đến nhà trẻ ban ngày trong một thời gian ngắn. Bệnh đau mắt đỏ dị ứng (gây ra do phấn hoa mùa, vảy da đầu động vật, mỹ phẩm, và dầu thơm) và bệnh đau mắt đỏ do hoá chất (do chất hoá học hoặc chất lỏng, bao gồm thuốc tẩy và dầu đánh bóng đồ gỗ) không lây.
Triệu chứng: Đỏ mắt
Đỏ mắt là triệu chứng điển hình, báo trước bệnh đau mắt đỏ. Đây là chứng bệnh thường gặp hiếm khi nguy hiểm và khó có thể gây tổn thương mắt hoặc tổn thương thị giác lâu dài nếu được phát hiện và điều trrị kịp thời.
Triệu chứng: Mí mắt sưng, đỏ
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ nhiễm trùng thường bắt đầu ở một mắt và lây sang mắt kia trong vòng một vài ngày. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ dị ứng thường biểu hiện ở cả hai mắt. Mí mắt sưng bụp thường biểu hiện nhiều hơn ở bệnh đau mắt đỏ dị ứng và do vi khuẩn.
Triệu chứng: Chảy nhiều nước mắt
Đau mắt đỏ do vi-rút và đau mắt đỏ dị ứng là nguyên nhân thường thấy gây tiết nhiều nước mắt hơn bình thường.
Triệu chứng: Ngứa hoặc rát mắt
Bạn sẽ biết được cảm giác đó nếu bị đau mắt đỏ – ngứa, rát dữ dội trong mắt, đây là những triệu chứng điển hình của chứng đau mắt đỏ.
Triệu chứng: Tiết chất dịch ở mắt
Dịch nước trong là biểu hiện thường thấy của chứng đau mắt đỏ do vi-rút và đau mắt đỏ dị ứng. Khi dịch mắt trở nên vàng lục nhiều hơn (và có nhiều chất dịch này), thì đây có thể là đau mắt đỏ do vi khuẩn.
Triệu chứng: Mi mắt đóng váng
Nếu sáng thức dậy mà hai mắt của bạn “bị dính cứng” lại với nhau thì có thể do dịch tiết tụ lại ở mắt do đau mắt đỏ trong khi bạn ngủ.
Triệu chứng: Nhạy cảm với ánh sáng
Bệnh đau mắt đỏ có thể gây nhạy cảm nhẹ với ánh sáng. Người biểu hiện các triệu chứng nặng, chẳng hạn như thay đổi thị lực, nhạy cảm dữ dội với ánh sáng, hoặc đau nhức dữ dội có thể bị nhiễm trùng lây sang khỏi cả kết mạc và cần nên được bác sĩ khám lại.
Triệu chứng khó chịu “Có cái gì đó trong mắt”
Bạn có thể cảm thấy khó chịu giống như có cái gì đó kẹt trong mắt mình. Trẻ con có thể tả cảm giác đó y như có hạt cát trong mắt vậy.
Chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ chỉ bằng các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết của nó. Tuy nhiên cũng có thể cần phải kiểm tra bằng kính hiển vi sinh vật. Trong một số trường hợp thì người ta cũng có thể lấy mẫu dịch mắt gởi đến phòng thí nghiệm để xác định nguyên nhân.
Khi bệnh đau mắt đỏ không đơn thuần là đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ dai dẳng có thể là dấu hiệu của một chứng bệnh tiềm ẩn nào đó trong cơ thể. Thường thấy nhất là bệnh thấp khớp, chẳng hạn như viêm khớp kinh niên và lu-pút ban đỏ hệ thống (lupus). Đau mắt đỏ cũng có thể biểu hiện ở bệnh Kawasaki (đây là chứng bệnh hiếm gặp liên quan đến sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) và một số bệnh viêm ruột mãn tính nào đó, như là loét kết tràng và viêm ruột từng vùng.
Điều trị bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ do vi trùng được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, thuốc mỡ, hoặc thuốc viên để chữa hết nhiễm nhùng. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ di vi-rút không có phương pháp đặc trị – bạn phải để cho vi-rút phát triển một cách tự nhiên, thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Các triệu chứng đau mắt đỏ dị ứng sẽ giảm bớt khi nguồn chất gây dị ứng được tẩy sạch và bản thân dị ứng được chữa lành. Đau mắt đỏ do hoá chất cần phải được rửa mắt bị nhiễm nhanh chóng trong vòng 5 phút và phải gọi điện cho bác sĩ ngay tức khắc.
Làm dịu các triệu chứng đau mắt đỏ
Để giảm đau và làm sạch dịch tiết của bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc vi-rút, hãy sử dụng một miếng gạc lạnh hoặc ấm lên mắt. Phải đảm bảo sử dụng khăn mặt khác nhau cho mỗi mắt để ngăn ngừa lây lan nhiễm trùng. Và hãy sử dụng khăn mặt sạch mỗi lần như thế. Làm sạch chất dịch ở mắt bằng cách lau từ bên trong ra bên ngoài vùng mắt.
Tôi bị nhiễm bệnh trong thời gian bao lâu?
Với chứng bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn thì bạn thường có thể đi làm hoặc đi học trở lại sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh 24 tiếng đồng hồ, miễn là các triệu chứng giảm đi là được. Còn khi bị đau mắt đỏ do vi-rút thì bạn nhiễm bệnh đến chừng nào các triệu chứng hết thì thôi. Bạn nên kiểm tra lại với bác sĩ để chắc chắn nhé.
Ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ lây lan
Nếu bạn hoặc con bạn bị đau mắt đỏ nhiễm trùng, nên tránh sờ vào vùng mắt, và hãy rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi thoa thuốc vào vùng đó. Đừng bao giờ dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, và ném bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Hãy thay khăn tắm hằng ngày; khử trùng tất cả các bề mặt, chẳng hạn như mặt trên của quầy (nhà bếp), bồn rửa, và tay nắm cửa. Bỏ hết mỹ phẩm trang điểm trong lúc bị bệnh.