Các chuyên gia kêu gọi cần phải hành động để chống hai loại bệnh lây lan có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực cho nhiều người tại những quốc gia thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara.
Hai căn bệnh riêng rẽ đang tiêu hủy vụ chuối và chuối lá tại châu Phi. Chúng có thể đe dọa an ninh lương thực cho hàng triệu người tại châu Phi mà chuối là một trong khẩu phần lương thực của họ.
Loại vi khuẩn làm cho héo lá lần đầu tiên được báo cáo tại Ethiopia vào những năm cuối của thập niên 1960. Vào năm 2001, vi khuẩn này được tìm thấy tại Uganda. Kể từ đó, vi khuẩn lan tràn sang các nước láng giềng bao gồm Kenya, Rwanda, Tanzania và Cộng hòa Dân chủ Công-gô.
Lá của những cây bị nhiễm vi khuẩn trở nên yếu và vàng dần rồi tiết ra một chất lỏng màu vàng. Trái chuối chín một cách nhanh chóng và bắt đầu hư.
Nông dân có thể vô tình làm căn bệnh lan truyền bằng dụng cụ cắt chuối của họ. Các chuyên gia cho biết đến khi nông dân khám phá ra điều gì không ổn thì đã quá muộn rồi. Vụ chuối phải bị tiêu hủy.
Uganda là quốc gia sản xuất và tiêu thụ chuối hàng đầu của châu Phi. Tổ chức Quốc tế Sinh học Đa dạng tường trình là sự thiệt hại có thể lên đến 80% tại những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này tại Uganda.
Nông dân cũng lo lắng về một loại bệnh thứ hai có thể lan sang Uganda. Bệnh lá mọc thành từng chùm trên ngọn cây chuối làm cho tất cả lá đều mọc từ đỉnh cây chuối. Những cây bị nhiễm bệnh cho ra những quả nhỏ, không bình thường. Cuối cùng cây chuối hoàn toàn không ra quả nữa.
Viện quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết là bệnh này được thấy nhiều nhất tại Gabon, Angola, Malawi, Cộng hòa Dân chủ Công –gô.
Chuyên viên Rachid Hanna của Viện tuyên bố là nông dân phải tiêu hủy những cây bị nhiễm bệnh, thông thường là phải đốt bỏ. Bệnh lá mọc trên ngọn có thể lan từ cây này sang cây khác và cũng có thể do một loại sâu truyền bệnh. Cần phải tiêu diệt loại côn trùng nhỏ bé này. Ông Rachid Hanna khuyên nông dân trị loại sâu này bằng cách sử dụng các loại kẻ thù thiên nhiên của nó.
Ông ấy nói bệnh lá mọc trên ngọn cũng như bệnh vàng lá có thể ảnh hưởng đến toàn đồn điền. Không những lợi tức trang trại bị ảnh hưởng mà cả việc cung cấp lương thực địa phương cũng chịu thiệt hại. Các chuyên gia cho rằng hơn 30 triệu người có thể bị thiếu lương thực trừ phi có một giải pháp đáp ứng.
Các khoa học gia trên toàn thế giới tháng trước họp tại Tanzania để thảo luận về tình hình này. Ông Rachid Hanna tuyên bố là cần phải thực hiện những biện pháp mạnh mẽ ngay bây giờ để tránh khủng hoảng trong tương lai.
RACHID HANNA: “Điều cần thiết trong trường hợp này là một nỗ lực chung, không những chỉ về phía những nhà nghiên cứu và những người dân địa phương mà còn từ những cộng đồng viện trợ, vì việc kiểm soát được 2 dịch bệnh này sẽ đóng góp rất nhiều, và về lâu về dài để cải thiện an ninh lương thực cho nhân dân và cuộc sống trong tiểu vùng Sahara của châu Phi.”