Bố đi lính suốt cuộc chiến - ý tôi là - chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cho đến khi tôi lên năm, Tôi chẳng gặp ông nhiều, và những gì tôi nhìn thấy chẳng làm tôi lo lắng. Đôi khi chợt tỉnh giấc, tôi thấy một dáng người to lớn mặc đồ ka-ki đang ngắm nhìn mình dưới ánh nến. Đôi khi vào lúc sáng sớm, tôi nghe tiếng đóng cửa trước và tiếng giày ống nghiến lạo xạo trên sỏi đường vào nhà. Những âm thanh này là âm thanh lúc Bố về và ra đi. Như ông già Nô-en, ông đến rồi đi hết sức bí ẩn.
Thực ra, tôi khá thích những chuyến viếng thăm của ông, dù lúc sáng sớm khi tôi chui qua giường mẹ, mẹ và bố nằm sát đeo chẳng thoải mái tí nào. Ông hút thuốc, làm ông có mùi ngai ngái dễ chịu, và cạo râu, một hoạt động làm tôi hết sức tò mò. Cứ mỗi lần ông để lại một món quà lưu niệm - xe tăng hô hình và mấy con dao Gurkha có cán làm bằng vỏ đạn, và mũ lính Đức và phù hiệu trên mũ và miếng chèn nút, và đủ loại thiết bị nhà binh – được cất kỹ trong một cái hộp dài để trên nóc tủ quần áo, phòng khi có lúc cần đến. Bố hơi là người thích tích góp những thứ vặt vãnh; ông cho là mọi thứ sẽ có lúc cần đến. Khi ông vừa mới quay lưng, mẹ liền cho tôi một cái ghế và tôi tha hồ lục lọi kho báu của ông. Mẹ dường như không coi trọng chúng nhiều như ông.
Chiến tranh là thời kỳ yên bình nhất của đời tôi. Cửa sổ phòng áp mái của tôi hướng về phía đông nam. Mẹ đã che màn lại, nhưng chẳng có tác dụng bao nhiêu. Tôi luôn thức giấc cùng tia sáng đầu tiên và, cùng cảm giác mọi gánh nặng ngày hôm trước tan biến, cảm thấy mình hơi giống vầng dương, chuẩn bị toả sáng và đầy hân hoan. Cuộc sống chưa bao giờ giản dị và trong trẻo và tràn trề hứa hẹn như lúc ấy. Tôi chìa hai bàn chân ra khỏi áo quần - tôi gọi hai chân mình là Bà bên trái và Bà bên phải – và những tình huống đầy kịch tính hư cấu cho họ, trong đó họ bàn luận về chuyện xảy ra trong ngày. Ít ra thì Bà bên phải bàn luận; bà ấy luôn bày tỏ ý mình, nhưng tôi không bắt Bà bên trái làm giống vậy được, vì thế đa phần bà ấy chỉ gật đầu đồng ý.
Họ bàn chuyện mẹ và tôi nên làm gì trong ngày, ông già Nô-en nhân Lễ giáng sinh sẽ tặng quà gì, và nên làm gì để làm nhà cửa sáng sủa lên. Có rắc rối nho nhỏ về chuyện em bé, chẳng hạn. Mẹ với tôi chẳng thể đồng ý với nhau về chuyện đó. Nhà chúng tôi là căn nhà duy nhất trong khu này không có em bé mới sinh, mà mẹ bảo chúng tôi không thể có em bé cho đến khi nào bố giải ngũ trở về vì em bé tốn tới 17 đô và 6 xu lận. Điều đó cho thấy mẹ mới khờ làm sao. Nhà Geneys đầu đường đã có em bé, mà ai cũng biết họ đâu có đủ 17 đô 6. Chắc có lẽ em bé đó rẻ tiền, còn mẹ thì muốn có thứ thiệt tốt, nhưng tôi cảm thấy mẹ kén chọn quá đi. Em bé nhà Geneys cũng đã tốt lắm rồi.
Quyết định kế hoạch trong ngày xong, tôi đứng dậy, đặt ghế dưới cửa sổ gác xép, rồi nâng cửa sổ đủ cao để thò đầu ra ngoài. Cửa sổ trông xuống vườn trước nhà của dãy nhà phía sau dãy nhà của chúng tôi, và trông ra xa xa, qua một thung lũng sâu đến những căn nhà bằng gạch đỏ, cao nằm trên sườn đồi đối diện, tất cả vẫn còn chìm trong bóng tối, trong khi mấy căn nhà phía bên này thung lũng của chúng tôi đều đã được soi sáng, cho dù mấy cái bóng dài, lạ lùng làm chúng có vẻ xa lạ; cứng ngắc và như được quét sơn.
Sau đó tôi đi vào phòng mẹ và leo vào cái giường lớn. Mẹ tỉnh giấc và tôi bắt đầu kể mẹ nghe về kế hoạch của mình. Vào lúc này, dù tôi dường như chẳng hề để ý chuyện mình lạnh cóng trong chiếc áo ngủ, và bớt lạnh dần trong khi nói chuyện cho đến khi, cơn giá lạnh cuối cùng tan biến, tôi lăn ra ngủ bên cạnh mẹ và chỉ tỉnh dậy lần nữa khi nghe tiếng mẹ dưới bếp, đang làm điểm tâm.
Ăn sáng xong chúng tôi vào thành phố; dự lễ Mi-xa ở nhà thờ St. Augustine và cầu nguyện cho Bố, rồi đi mua sắm. Nếu buổi chiều đẹp trời hoặc chúng tôi đi dạo ở miền quê hoặc viếng thăm người bạn tuyệt vời của Mẹ ở nữ tu viện, Mother St. Dominic. Mẹ nhờ họ cầu nguyện cho bố, và mỗi đêm, khi đi ngủ, tôi cầu xin Chúa đưa bố về với chúng tôi an toàn. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi biết mình đang cầu nguyện gì!
Một sáng nọ, tôi leo vào chiếc giường lớn, và không còn nghi ngờ gì nữa, bố đang nằm đó, theo kiểu Ông già Nô-en thường khi của ông, nhưng sau đó, thay vì mặc đồng phục, ông lại mặc bộ đồ vét xanh đẹp nhất của ông, còn Mẹ thì hết sức hài lòng. Tôi chẳng thấy gì để hài lòng cả, vì, không mặc đồng phục, bố hoàn toàn chẳng thú vị bằng lúc mặc đồng phục, nhưng mẹ chỉ cười toe toét, và giải thích là lời cầu nguyện của chúng tôi đã được chứng giám, rồi chúng tôi lên đường dự lễ Mi-xa để cảm ơn Chúa đã đưa Bố về nhà bình yên.
Mỉa mai làm sao! Chính cái ngày ông vào nhà ăn tối, ông cởi đôi giày ống rồi mang đôi dép mềm mang trong nhà, khoác chiếc mũ cũ bẩn đội quanh nhà để khỏi bị cảm, bắt chéo chân, và bắt đầu nói chuyện nghiêm trang với Mẹ, trông bà có vẻ lo lắng. Tự nhiên, tôi không thích nhìn thấy mẹ lo lắng, vì nó làm mẹ mất đi nét duyên dáng, cho nên tôi ngắt lời bố.
"Chờ chút, Larry! " mẹ nói dịu dàng.
Mẹ chỉ nói câu này khi chúng tôi có mấy vị khách chán ngán, vì vậy tôi chẳng cho nó quan trọng nên cứ tiếp tục nói.
"Yên nào, Larry! " bà sốt ruột nói. "Con không thấy mẹ đang nói chuyện với Bố sao?"
Đây là lần đầu tôi nghe những lời răn đe đó, "đang nói chuyện với Bố, " và tôi bỗng cảm thấy nếu đây là cách Chúa đáp lại lời nguyện cầu, thì hẳn Chúa đã không lắng nghe chăm chú cho lắm.
"Tại sao mẹ lại nói chuyện với Bố? " Tôi hỏi, cố gắng ra vẻ thờ ơ hết mức có thể.
"Vì Bố và mẹ có chuyện cần bàn. Còn bây giờ, không được ngắt lời nữa nhé! "
Vào buổi trưa, theo yêu cầu của mẹ, Bố dẫn tôi đi dạo. Lần này chúng tôi vào thành phố thay vì ra vùng quê, và Tôi nghĩ lúc đầu, theo cách lạc quan thường khi, đây có thể là một bước cải thiện. Hoàn toàn không như vậy. Bố và Tôi có quan niệm khác nhau hoàn toàn về chuyện đi dạo trong thành phố. Ông chẳng hề quan tâm đúng mức về xe điện, tàu, và ngựa, và thứ duy nhất có vẻ làm ông vui thú là nói chuyện với mấy ông già như bố. Khi tôi muốn dừng ông cứ đi tiếp, lôi tôi xềnh xệch đằng sau; khi ông muốn dừng lại, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác là phải làm giống vậy. Tôi để ý thấy dấu hiệu cho biết ông muốn dừng lại lâu là lúc ông tựa lưng vào tường. Lần thứ hai thấy ông vậy, tôi nổi khùng. Trông ông có vẻ sẽ đứng nghỉ vậy hoài hoài. Tôi kéo áo kéo quần ông, nhưng, không giống mẹ, nếu mình quá lỳ, mẹ sẽ nổi giận và nói : "Larry nếu con không cư xử cho đàng hoàng, mẹ sẽ đét cho con một phát thiệt đau bây giờ," Bố có khả năng làm lơ phi thường. Tôi đánh giá ông và tự hỏi mình có nên gào lên không, nhưng ông có vẻ thờ ơ đến mức sẽ chẳng hề bực mình dù tôi có làm thế. Thiệt giống y như mình đi dạo với một trái núi! Ông hoặc hoàn toàn lờ đi những cú giật mạnh và đánh liên hồi, còn không thì lại liếc nhìn xuống với nụ cười toe toét khoái trá từ trên cao chót vót đó. Tôi chưa từng thấy bất kỳ ai hoàn toàn đắm chìm trong suy tư như ông.
Lúc uống trà, vụ "nói chuyện với Bố " lại bắt đầu, lần này phức tạp vì ông đọc báo chiều, chốc chốc, ông lại đặt tờ báo xuống rồi kể Mẹ nghe tin mới gì đó trong báo. Tôi thấy vậy là chơi xấu.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sẽ giành sự chú ý của mẹ mọi lúc với ông, như đàn ông với nhau, nhưng người khác quyết định toàn bộ chuyện này cho ông thì tôi chẳng còn cơ hội nào. Đôi lần tôi cố chuyển sang đề tài khác mà chẳng được.
"Con phải yên lặng trong khi Bố đang đọc báo nhe, Larry, " Mẹ sốt ruột nói.
Rõ là mẹ hoặc thực sự thích nói chuyện với Bố tốt hơn nói chuyện với tôi, hoặc là ông có ảnh hưởng kinh khủng sao đó với mẹ đến mức mẹ không dám thừa nhận sự thật.
"Mẹ, " Tôi nói đêm mẹ đang đắp chăn cho tôi, “Theo mẹ con có nên cầu Chúa vĩ đại cho bố ra trận trở lại không?"
Mẹ có vẻ suy nghĩ về chuyện đó một hồi.
"Không, bé yêu," mẹ cười nói. "Mẹ không nghĩ Chúa sẽ làm thế. "
"Tại sao lại không hả Mẹ? "
" Vì đâu còn chiến tranh nữa, bé yêu. "
" Nhưng Mẹ, bộ dù có thích, Chúa cũng không tạo ra cuộc chiến khác được à? "
"Chúa sẽ không muốn vậy đâu, bé yêu. Không phải Chúa mà chính người xấu đã tạo ra chiến tranh.
"Ôi! " Tôi nói.
Tôi thất vọng về chuyện đó. Tôi bắt đầu nghĩ rằng Chúa không tài giỏi như người ta vẫn ca ngợi.
Tôi thức giấc sáng hôm sau vào giờ thường lệ, cảm thấy giống một chai sâm banh. Tôi thò chân ra ngoài rồi chế một câu chuyện dài, trong đó Bà bên phải kể về rắc rối gặp phải với Bố mình cho đến khi bà cho ông vào nơi an toàn. Tôi hoàn toàn không biết nơi an toàn là nơi nào nhưng nghe có vẻ là chỗ phù hợp cho Bố. Rồi tôi lấy ghế và thò đầu ra cửa sổ tầng áp mái. Bình minh vừa mới rạng, với vẻ tội lỗi làm tôi cảm thấy như mình bị bắt gặp tại trận. Đầu tôi đầy âm mưu và kế hoạch, Tôi loạng choạng bước sang cửa bên cạnh, và trong tranh tối tranh sáng, tôi bò vào chiếc giường lớn. Bên Mẹ không có chỗ, nên tôi phải nằm giữa mẹ và Bố. Tôi tạm quên ông, và tôi ngồi thẳng người vài phút, vắt óc nghĩ xem mình nên làm gì ông. Ông nằm lấn phần giường người khác khiến tôi không nằm thoải mái được, thế nên tôi đạp ông mấy cú làm ông lẩm bẩm trong mơ rồi duỗi mình. Tuy vậy, ông đã chừa chỗ tạm đủ rồi. Mẹ tỉnh giấc và tội nghiệp cho tôi.
Tôi thoải mái nằm trở lại trong cái giường ấm áp, ngậm ngón cái trong miệng.
"Mẹ! " Tôi ngân nga, to và thoả mãn.
"Sssh! bé, " mẹ thì thầm. " Đừng đánh thức bố! "
Đây là diễn biến mới, báo hiệu còn nghiêm trọng hơn là chuyện "nói chuyện với Bố." Đời mà không có hội thảo lúc bình minh thì không thể tưởng tượng nổi.
"Tại sao? " Tôi khó chịu hỏi.
"Vì Bố tội nghiệp mệt mỏi. "
Đối với tôi, lý do này có vẻ chưa đủ, và tôi cảm thấy bịnh hết sức bởi sự ủy mị về "Bố tội nghiệp" của mẹ. Tôi không bao giờ xài kiểu nói tình cảm như thế; nó luôn làm tôi cảm thấy không thiệt lòng.
"Ôi! " Tôi nhẹ nhàng nói. Rồi sau đó bằng giọng ngọt ngào nhứt của mình: "Mẹ biết hôm nay con muốn đi với mẹ đến đâu không, Mẹ?"
"Không, bé, " mẹ thở dài.
"Con muốn xuống Glen và câu cá lưng gai bằng lưới mới của con, rồi con muốn đi đến Fox và Hounds chơi, rồi - "
"Đừng - đánh thức - Bố! " mẹ rít lên giận dữ, lấy tay che miệng tôi.
Nhưng đã quá muộn. Ông đã thức, hay gần thế. Ông làu bàu và với tay lấy diêm. Rồi ông hoài nghi nhìn chằm chằm vô đồng hồ của mình.
"Uống trà nhé, cưng? " Mẹ hỏi bằng giọng dỗ dành, nhu mì mà tôi chưa từng nghe trước đây. Nghe gần giống như mẹ đang sợ.
"Trà? " ông kêu lên bất bình. "Em biết bây giờ là mấy giờ không? "
"Rồi sau đó con muốn lên Rathcooney Road," Tôi nói lớn, sợ mình quên gì đó trong toàn bộ mấy chuyện làm gián đoạn đó.
"Ngủ liền đi, Larry! " mẹ nói sẵng.
Tôi bắt đầu thút thít. Tôi không tập trung được, cái kiểu hai người này cứ như vậy, và chuyện họ dập vùi mấy kế hoạch ban mai của tôi giống như chôn một gia đình từ trong nôi.
Bố không nói gì, chỉ đốt tẩu thuốc hút, nhìn ra ngoài bóng đêm không màng đến Mẹ hoặc tôi. Tôi biết bố đang giận. Mỗi lần tôi nhận xét là mẹ lại cáu kỉnh bắt tôi im. Tôi bị mất thể diện. Tôi cảm thấy vậy không công bằng; thậm chí có gì đó độc ác trong chuỵên đó. Mỗi lần tôi cho mẹ thấy thiệt là lãng phí khi phải dọn hai giường trong khi cả hai chúng tôi có thể ngủ chung, thì mẹ nói là ngủ vậy sẽ tốt cho sức khoẻ hơn, thế mà bây giờ người đàn ông này, ở đây, cái kẻ xa lạ này, lại ngủ với mẹ mà chẳng hề coi trọng sức khoẻ của mẹ! Ông dậy sớm và pha trà, thế nhưng ông chỉ mang tách trà cho Mẹ mà không mang cho tôi.
"Mẹ, " Tôi la to, "Con cũng muốn uống trà."
"Ừ, bé," mẹ kiên nhẫn nói. "Con uống chung với mẹ nè."
Thế là đủ. Hoặc bố hoặc tôi phải ra khỏi căn nhà này. Tôi không muốn uống chung tách với Mẹ ; Tôi muốn được đối xử bình đẳng trong căn nhà của mình, vì thế, chỉ để chọc tức mẹ, tôi uống sạch tách trà và không để lại cho mẹ chút nào. Mẹ lặng lẽ chấp nhận chuyện đó.
Nhưng đêm đó khi mẹ cho tôi đi ngủ, mẹ nhẹ nhàng nói:
" Larry, Mẹ muốn con hứa với mẹ một chuyện."
"Chuyện gì vậy? " Tôi hỏi.
"Không vô phòng và làm phiền Bố tội nghiệp vào buổi sáng. Nhé? "
Lại "Bố tội nghiệp" nữa! Tôi bắt đầu nghi ngờ mọi thứ liên quan đến con người hết sức quá quắt đó.
"Tại sao? " Tôi hỏi.
"Vì Bố tội nghiệp đang lo lắng và mệt mỏi nên bố không ngủ ngon. "
"Tại sao bố không ngủ ngon, Mẹ? "
"Ừm, con biết chuyện lúc bố đang đi lính, Mẹ nhận tiền ở bưu điện, phải không nào? "
"Ở chỗ cô MacCarthy?"
"Đúng rồi. Nhưng bây giờ, con thấy đó, Cô MacCarthy không còn tiền nữa, cho nên Bố phải ra ngoài và kiếm ít tiền cho mình. Con biết chuỵên gì sẽ xảy ra nếu bố không kiếm được tiền không?"
"Không, " Tôi nói, "mẹ nói đi. "
"Ừm, Mẹ nghĩ mình có thể phải ra khỏi nhà và xin ăn như bà cụ tội nghiệp thứ sáu hàng tuần đó. Mình sẽ không bị thế, phải không? "
"Dạ, " Tôi đồng ý. "Mình sẽ không bị vậy. "
"Vậy con hứa sẽ không vô phòng và đánh thức bố nhé? "
"Dạ, con hứa. "
Bạn biết không, tôi thực có ý đó. Tôi biết tiền là chuỵên nghiêm trọng, và tôi hoàn toàn không đồng ý việc phải ra khỏi nhà xin ăn như bà cụ vào thứ sáu hàng tuần. Mẹ xếp hết tất cả đồ chơi của tôi thành một vòng tròn quanh giường để, dù tôi có ra ngoài bằng cách nào, tôi chắc chắn sẽ vấp phải một thứ trong đó.
Khi thức giấc, tôi nhớ rõ lời hứa của mình. Tôi dậy rồi ngồi bệt xuống sàn nhà và chơi – dường như hàng tiếng đồng hồ đối với tôi. Sau đó tôi lấy ghế rồi nhìn ra cửa sổ gác xép thêm mấy tiếng nữa. Tôi ước gì đã đến lúc bố thức giấc; tôi ước có người pha cho tôi một tách trà. Tôi không cảm thấy giống mặt trời chút nào; mà ngược lại, Tôi chán chường và rất rất, rất lạnh! Tôi thèm hơi ấm và lọt thỏm vào cái giường nệm lông lớn.
Cuối cùng Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi đi vào phòng bên cạnh. Vì phía mẹ vẫn không có chỗ nên tôi leo qua Mẹ làm mẹ choàng tỉnh.
"Larry, " mẹ thì thầm, giữ chặt cánh tay tôi, "con đã hứa sao hả? "
"Nhưng con đã giữ lời rồi, Mẹ, " Tôi than van, bị bắt tại trận. "Con đã giữ yên lặng lâu ơi là lâu."
"Ôi, bé, và con chịu hết nỗi rồi chứ gì! " mẹ buồn rầu nói, vuốt ve khắp người tôi. "Bây giờ nếu mẹ cho con ở lại, con hứa sẽ không nói chuyện nhé?"
"Nhưng con muốn nói mà Mẹ, " tôi rên rỉ.
"Chẳng liên quan gì hết," mẹ nói với vẻ dứt khoát hoàn toàn mới đối với tôi. " Bố cần ngủ. Bây giờ, con có hiểu thế không? "
Tôi hiểu chuyện đó quá rõ. Tôi muốn nói, bố muốn ngủ - nhà ai đây chớ?
"Mẹ, " Tôi nói với vẻ kiên quyết không kém, "Con nghĩ Bố ngủ giường riêng sẽ tốt cho sức khoẻ hơn."
Câu đó có vẻ làm mẹ bối rối, vì mẹ không nói gì hồi lâu.
"Bây giờ, chỉ một lần thôi nhé, " mẹ tiếp tục, "hoặc con nằm thiệt yên hoặc quay lại giường của con. Sao đây? "
Sự bất công đó làm tôi buồn bực. Tôi đã vạch rõ mâu thuẫn và vô lý trong lời nói của chính mẹ, mà thậm chí mẹ cũng chẳng thèm trả lời. Đầy oán hận, tôi đạp bố một cú, mẹ không thấy nhưng cú đạp làm bố làu bàu và choàng mở mắt hoảng hốt.
"Mấy giờ rồi?" bố hỏi bằng giọng hoảng hốt, không nhìn mẹ mà nhìn ra cửa, như thể bố thấy có ai ở đó.
"Vẫn còn sớm," mẹ trả lời dịu dàng. "Chỉ là thằng bé thôi. Ngủ lại đi anh. Bây giờ, Larry," mẹ nói thêm, rời khỏi giường, "con đã đánh thức Bố nên con phải về giường. "
Lần này, vì vẻ lặng lẽ của mẹ, tôi biết mẹ nói thật, và biết là các quyền hạn chính và đặc quyền của tôi sẽ mất sạch nếu tôi không khẳng định chúng ngay lập tức. Khi mẹ bế lên, tôi rít to, đủ làm người chết sống lại, chớ đừng nói tới Bố. Bố rên rỉ.
"Cái thằng cu quỷ này! Nó chẳng bao giờ ngủ cả à?"
"Chỉ là thói quen thôi, anh yêu," mẹ nói nhỏ nhẹ, dù tôi có thể thấy mẹ đang bực mình.
"Ừm, đã đến lúc nó bỏ thói quen đó được rồi," Bố quát, sắp ngã xuống giường. Bố bỗng gom hết mọi ra giường về phía mình, quay lưng lại bức tường, rồi nhìn lại qua vai mình bằng đôi mắt đen nhỏ, đầy ác ý, chẳng biểu lộ gì. Trông rất ác.
Để mở cánh cửa phòng ngủ, Mẹ phải thả tôi xuống, thế là tôi vùng ra và vừa chạy đến góc phòng xa nhất, vừa rú lên. Bố ngồi bật dậy.
"Câm mồm coi, cái thằng chó con này! " bố nói bằng giọng uất nghẹn.
Tôi ngạc nhiên đến nỗi phải ngừng hét. Chưa bao giờ, chưa từng có bất kỳ ai nói với tôi bằng cái giọng đó từ trước tới giờ. Tôi nhìn bố hoài nghi và thấy mặt bố co rúm vì tức giận. Chỉ lúc đó tôi mới nhận ra đầy đủ Chúa đã lừa bịp mình ra sao, khi đáp ứng lời tôi cầu xin cho con quái vật này trở về an toàn.
"Bố câm mồm đi thì có! " Tôi giận dữ hét, không kiềm chế được.
"Mày mới nói gì? " Bố quát, nhảy bật ra khỏi giường.
"Mick ơi, Mick ơi! " Mẹ kêu to. "Anh không thấy là con chưa quen với anh sao? "
"Anh thấy thằng này được nuôi ăn tốt hơn được dạy dỗ, " Bố gầm, vung tay. "Nó muốn bị đét đít đây."
Mọi la hét lúc nãy của bố chẳng là gì so với những lời nhục mạ ám chỉ con người tôi. Chúng thực sự làm tôi giận sôi máu.
"Đét đít mình á! " Tôi la hét cuồng loạn. "Đét đít mình á! Câm mồm đi! Câm mồm đi! "
Đến đây thì bố mất kiên nhẫn và xông vào tôi. Bố lưỡng lự làm điều đó dưới đôi mắt kinh hoảng của Mẹ, và cuối cùng chỉ là một cái tát thôi, nhưng cảm giác hết sức nhục nhã vì bị đánh bởi một người xa lạ, hoàn toàn xa lạ, từ chiến tranh trở về đã phỉnh phờ để chui vào chiếc giường lớn của chúng tôi do kết quả của lời cầu xin ngây ngô của tôi, đã làm tôi đần người ra. Tôi gào rú liên tục và nhảy tưng tưng bằng đôi chân trần, và Bố, trông vụng về và lông lá, chỉ mặc chiếc áo sơ mi nhà binh ngắn màu xám, nhìn tôi trừng trừng giận dữ như trái núi đã biến thành kẻ giết người. Tôi nghĩ, hẳn chắc chắn là, tôi nhận ra bố cũng ghen tức nữa. Và mẹ đứng đó trong chiếc áo ngủ, trông như thể trái tim mẹ đã bị tan nát vì chúng tôi. Tôi cầu mong mẹ cảm thấy đúng như vẻ ngoài của mẹ. Dường như với tôi, mẹ xứng đáng bị toàn bộ chuyện đó.
Từ sáng hôm đó trở đi, đời tôi là địa ngục. Bố với Tôi là kẻ thù, công khai và chính thức. Chúng tôi tiến hành một loạt đụng độ nho nhỏ chống lại nhau, bố cố chiếm thời gian tôi ở bên mẹ còn Tôi thì đánh cắp thời gian bố ở bên mẹ. Khi mẹ đang ngồi lên giường tôi, kể chuyện cho tôi nghe, bố cướp đi bắt mẹ tìm đôi giày ống cũ nào đó mà bố cho là đã để lại nhà hồi đầu chiến tranh. Trong khi bố nói chuyện với Mẹ, tôi chơi đồ chơi thiệt ồn để cho thấy tôi hoàn toàn chẳng thèm quan tâm. Một tối nọ, bố làm om sòm khủng khiếp, khi trở về từ chỗ làm và thấy tôi đang nồi cạnh cái hộp của bố, nghịch mấy cái phù hiệu, dao Gurkha và miếng chèn nút của bố. Mẹ đứng dậy lấy cái hộp đi.
"Con không được nghịch đồ chơi của Bố trừ phi được bố cho phép nhé, Larry," mẹ nghiêm nghị nói. "Bố đâu nghịch đồ chơi của con đâu. "
Chẳng biết sao Bố lại nhìn mẹ như thể mẹ mới tát bố rồi cau có quay lưng.
"Mấy cái đó không phải đồ chơi," bố gầm gừ, mang hộp xuống trở lại để coi tôi có lấy đi cái gì không. "Mấy món đồ này rất quý hiếm. "
Nhưng ngày tháng qua đi, càng ngày tôi càng thấy bố ráng lạnh lùng với Mẹ và tôi. Mà tệ hại hơn là tôi không hiểu được hành động của bố cũgn chẳng thấy bố có gì hấp dẫn với Mẹ. Về mọi phương diện, bố đều không hấp dẫn bằng tôi. Bố có một giọng nói tầm thường và húp trà soàm soạp. Tôi suy nghĩ hồi lâu và cho là có thể chính mấy tờ báo là thứ mẹ quan tâm, thế là tôi tự tạo ra tin tức để đọc cho mẹ nghe. Rồi tôi nghĩ có thể chính là chuyện hút thuốc, bản thân tôi cũng thấy nó hấp dẫn, nên tôi lấy ống điếu của bố rồi đi long rong quanh ngôi nhà nhỏ, phun nước miếng phèo phèo vô ống điếu cho đến khi bị bố bắt gặp. Thậm chí tôi cũng húp trà soàm soạp, nhưng Mẹ lại nói tôi gớm ghiếc quá. Toàn bộ chuyện này có vẻ xoay quanh thói quen ngủ chung tròn không tốt cho sức khoẻ, vì vậy tôi quyết định ghé vô phòng ngủ bố mẹ và sục sạo, nói chuyện một mình, để bố mẹ không biết tôi đang theo dõi họ, nhưng họ chẳng bao giờ làm bất cứ gì tôi có thể nhìn thấy. Cuối cùng tôi bỏ cuộc. Hình như nó tùy thuộc vào chuyện lớn lên rồi trao nhẫn cho nhau và tôi nhận ra là mình phải đợi đến khi mình lớn.
Nhưng cùng một lúc tôi cũng muốn bố biết là tôi chỉ đang chờ đến lúc lớn thôi, chớ không phải đã chịu thua. Một buổi tối khi bố đang hết sức khó chịu, nói huyên thuyên ngay trên đầu tôi, tôi để cho bố biết chuyện đó.
"Mẹ," Tôi nói, "Mẹ biết lớn lên con sẽ làm gì không?"
"Không, bé, " mẹ trả lời. "Gì vậy? "
"Con sẽ cưới mẹ, " Tôi nhỏ nhẹ nói.
Bố lăn ra cười hô hố, nhưng tôi chả bị lừa. Tôi biết chắc chắn bố chỉ giả vờ. Và Mẹ, mặc kệ bố, hài lòng. Tôi cảm thấy hẳn mẹ cảm thấy yên lòng khi biết một ngày nào đó gọng kiềm của kố dành cho mẹ sẽ bẻ gãy.
"Vậy không dễ thương sao? " mẹ cười nói.
"Sẽ rất dễ thương, " Tôi nói một cách tự tin. "Vì mình sẽ có nhiều và rất nhiều em bé. "
"Đúng thế, bé yêu, " mẹ tự mãn nói. "Mẹ nghĩ mình sắp có một em bé rồi, và con tha hồ có người chơi chung."
Tôi vô cùng hài lòng về chuyện đó vì nó cho thấy mặc dù mẹ chịu thua Bố, mẹ vẫn xem xét đến ước nguyện của tôi. Hơn nữa, nó sẽ làm nhà Geneys bớt kiêu ngạo đi.
Mặc dù vậy, hoá ra không đúng như thế. Trước hết, mẹ hết sức bận rộn tâm trí – tôi cho rằng chắc mẹ đang lo không biết kiếm 17 đô và sáu xu ở đâu ra - và cho dù tối tối Bố dẫn tôi đi chơi đến khuya, chẳng gì hay ho với tôi cả. Mẹ không dẫn tôi đi dạo nữa, dễ nổi giận đùng đùng, còn tát tôi chẳng hề có lý do gì hết. Đôi khi tôi ước mình chưa từng nói đến em bé quỷ tha ma bắt đó - Tôi dường như chuyên rước hoạ vào cho mình.
Và quả là một thảm hoạ! Sonny đến om sòm ầm ĩ khủng khiếp chưa từng thấy – thậm chí chẳng có chuyện gì nó làm mà không om sòm nhặng xị - và ngay từ đầu tôi đã ghét nó. Nó là một đứa bé khó làm cho vừa lòng- cho đến nay, với tôi, lúc nào cũng khó làm cho nó vừa lòng - và bắt người ta phải quan tâm đến mình quá nhiều. Mẹ mê mẩn nó, và chẳng hề thấy là nó chỉ đang màu mè. Còn làm bạn chơi cùng hả, nó hoàn toàn vô dụng. Nó ngủ suốt cả ngày, và tôi phải đi lòng vòng trong nhà bằng đầu ngón chân để khỏi làm nó thức giấc. Bây giờ không còn là đừng làm Bố thức nữa. Khẩu hiệu bây giờ là "Đừng làm Sonny giật mình!” Tôi chẳng hiểu nỗi tại sao thằng nhỏ lại không chịu ngủ đúng giờ đúng giấc, vì thế mỗi khi mẹ quay lưng là tôi đánh thức nó. Đôi khi để làm cho nó thức giấc, tôi còn véo nó nữa. Một ngày nọ, mẹ bắt gặp tôi đang ngắt véo nó, thế là mẹ mắng tôi một trận không tưởng tượng nỗi.
Một tối nọ, khi Bố ở sở làm về, tôi đang chơi xe lửa trong vườn trước nhà. Tôi giả vờ không để ý đến bố; thay vì giả vờ nói chuyện một mình, và tôi nói lớn tiếng: " Nếu thêm một đứa nhỏ quỷ quái nữa vào nhà này, mình sẽ ra khỏi nhà."
Bố đứng sững và ngoái nhìn tôi qua vai.
"Con vừa nói gì? " bố hỏi nghiêm nghị.
“Con chỉ nói chuyện một mình thôi, " Tôi trả lời, cố giấu hoảng sợ. "Đó là chuyện riêng tư."
Bố quay lưng bước đi không nói một lời nào. Bạn biết không, tôi chỉ định nói câu đó như câu cảnh báo ấn tượng thôi, nhưng ảnh hưởng của nó hoàn toàn khác. Bố bắt đầu cư xử hết sức dễ thương với tôi. Dĩ nhiên là tôi hiểu được điều đó. Mẹ hoàn toàn mù quáng vì Sonny. Thậm chí vào giờ ăn, mẹ cũng đứng dậy và đực mặt nhìn nó đang nằm trong nôi với nụ cười ngớ ngẩn, và bảo bố làm giống vậy. Bố luôn lịch sự trong chuyện này, nhưng trông bố bối rối đến nỗi mình thấy rõ là bố không biết mẹ đang nói chuyện gì. Bố phàn nàn kiểu Sonny cứ khóc đêm, nhưng mẹ chỉ nổi giận và nói rằng Sonny sẽ chẳng bao giờ khóc nếu không có chuyện xảy ra với nó – thiệt là một lời nói dối trơ tráo, vì chả bao giờ có chuyện gì xảy ra với Sonny cả, và nó chỉ khóc để bắt mọi người quan tâm mà thôi. Thiệt hết sức đau khổ khi thấy mẹ khờ khạo đến thế. Bố tuy không hấp dẫn, nhưng bố còn đôi chút thông minh. Bố hiểu thấu tim đen Sonny, nên giờ bố biết là tôi cũng hiểu thấu tim đen bố.
Một đêm nọ tôi choàng tỉnh. Có người nằm cạnh tôi trên giường. Trong một lúc hoang mang, tôi tưởng hẳn là Mẹ, đã tỉnh táo lại và bỏ mặc Bố mãi mãi, nhưng sau đó Tôi nghe tiếng Sonny quấy trong phòng bên cạnh, và tiếng mẹ: "Đây! Đây! Đây!" Nên tôi biết không phải mẹ. Chính là Bố. Bố đang nằm cạnh tôi, tỉnh như sáo, thở mạnh và dường như đang giận hết sức.
Một lát sau tôi hiểu ra bố đang giận chuyện gì. Bây giờ đến lượt Bố. Sau khi tống tôi ra khỏi chiếc giường lớn, bố đã tự tống mình ra khỏi đó. Mẹ bây giờ chả quan tâm đến ai ngoài con chó con xấu thói đó, Sonny. Tôi bất giác cảm thấy tội nghiệp cho Bố. Bản thân tôi đã trải qua qua toàn bộ chuyện này, và thậm chí ở tuổi đó, tôi vẫn hết sức anh hùng mã thượng. Tôi bắt đầu vỗ vỗ bố rồi nói : "Đây! Đây!" Bố phản ứng không nhiệt tình cho lắm.
"Con cũng không ngủ à? " bố gầm gừ.
"A, thôi nào và vòng tay ôm cả hai luôn nghen? " Tôi nói, và bố làm theo, theo một cách riêng. Rón rén, tôi cho rằng, đó là từ mình có thể mô tả cách bố làm. Bố toàn xương xẩu nhưng còn đỡ hơn là không có gì.
Đến ngày Lễ giáng sinh, bố cố gắng hết sức để mua cho tôi một xe lửa mô hình thiệt dễ thương.