Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm ferritin trong máu giúp cho bác sĩ đánh giá được lượng sắt tích trữ trong cơ thể. Cơ thể sử dụng sắt để tạo hê-mô-glô-bin, đây là một loại prô-tê-in có chức năng vận chuyển khí ô-xy bên trong hồng cầu.
Sắt được hấp thu từ thức ăn và được tích trữ lại trong cơ thể để sử dụng dưới dạng ferritin, đây là loại prô-tê-in vận chuyển sắt. Chất ferritin có nhiều nhất trong gan, nhưng hàm lượng trong tuỷ xương, lách, và các cơ thấp hơn. Trong máu thường chỉ tồn tại một lượng nhỏ, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để đánh giá tổng lượng sắt tích trữ trong cơ thể.
Lượng sắt dự trữ rất cần thiết bởi khi cơ thể không hấp thu đủ sắt thì nó phải nhờ đến chất ferritin giải phóng lượng sắt cần thiết. Nếu cơ thể cũng không đủ sắt dự trữ thì bệnh nhân sẽ trải qua một số giai đoạn thiếu sắt. Nếu không được chữa trị thì tình trạng thiếu sắt này có thể sẽ dẫn đến bệnh thiếu máu – lượng hê-mô-glô-bin trong máu giảm, làm cho việc vận chuyển khí ô-xy đến các tế bào và các mô trở nên khó khăn.
Hầu hết các trường hợp thiếu sắt ở trẻ nhỏ là do hấp thụ sắt kém – chẳng hạn như ăn quá ít các thực phẩm giàu chất sắt chẳng hạn như các loại thịt đỏ và ngũ cốc tăng cường sắt, hoặc đối với trẻ bú bình, chuyển từ sữa bột tăng cường chất sắt sang sử dụng sữa bò trước 12 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh bú mẹ thường hấp thụ đủ sắt từ sữa mẹ cho đến khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, lúc mà trẻ thường được cho ăn dặm thêm ngũ cốc tăng cường chất sắt.
Thiếu sắt cũng có thể là do ruột hấp thu sắt kém hoặc là do mất máu, thường thấy nhất là do kinh nguyệt nhiều hoặc do mất máu dần dần ở đường ruột.
Một số bệnh cũng có thể làm cho cơ thể bệnh nhân quá nhiều sắt và ferritin (quá thừa sắt). Thường thấy nhất là hiện tượng thừa chất sắt, đây là một bệnh di truyền trong đó sắt được hấp thu vào cơ thể quá nhiều.
Tại sao phải xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm ferritin khi nghi ngờ cơ thể trẻ quá thừa hoặc quá thiếu sắt. Điều nghi ngờ này thường dựa trên kết quả của các xét nghiệm máu định kỳ, chẳng hạn như đếm huyết cầu toàn phần, cho biết mật độ hồng cầu thấp.
Bác sĩ cũng có thể nghi ngờ các vấn đề về hàm lượng sắt dựa vào một số triệu chứng nào đó. Những triệu chứng ban đầu của bệnh thiếu sắt hoặc mất sắt có thể rất khó nhận ra. Nhưng khi hàm lượng sắt trong cơ thể giảm dưới một mức độ cụ thể nào đó thì trẻ có thể biểu hiện các triệu chứng chẳng hạn như mệt mỏi, ốm yếu, da dẻ xanh xao nhợt nhạt, tim đập nhanh, hoặc choáng váng, chóng mặt. Những triệu chứng thừa sắt thường thấy nhất là đau khớp, mệt mỏi kinh niên, và đau bụng.
Hàm lượng chất ferritin là dấu hiệu có lợi đầu tiên để nhận ra sắt dự trữ bất thường trong cơ thể bởi hàm lượng sắt thường hay giảm xuống hoặc tăng lên thậm chí là trước khi xảy ra các triệu chứng.
Chuẩn bị xét nghiệm máu
Không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt khi xét nghiệm máu đâu. Vào ngày làm xét nghiệm, trẻ có thể mặc áo sơ mi ngắn tay để giúp chuyên viên có thể dễ dàng lấy máu hơn.
Quy trình làm xét nghiệm máu
Chuyên gia sức khỏe thường rút máu ra khỏi tĩnh mạch. Trẻ sơ sinh có thể được lấy máu bằng cách đâm kim nhỏ (lưỡi trích) vào gót chân. Nếu rút máu ở tĩnh mạch thì bề mặt da sẽ được lau sạch bằng chất sát trùng và được quấn một dải băng co giãn (ga-rô) quanh vùng cánh tay trên để tạo áp lực và làm cho tĩnh mạch căng máu lên. Kim được tiêm vào tĩnh mạch (thường là ở vùng cánh tay bên trong khuỷu tay hoặc trên mu bàn tay), máu được rút ra và đựng trong lọ hoặc ống chích.
Sau khi lấy máu xong, trẻ sẽ được tháo dây băng và rút kim ra ngoài và vùng tay bị tiêm rút máu sẽ được đắp bằng miếng bông hoặc băng để cầm máu. Quy trình lấy máu xét nghiệm chỉ mất một vài phút.
Bạn nên mong đợi điều gì
Cả hai phương pháp lấy mẫu máu (lấy máu ở gót chân hoặc lấy máu ở tĩnh mạch) chỉ làm bạn cảm thấy khó chịu tức thời thôi và có thể như một vết mẩn đỏ, vết kim đâm nhanh mau lành. Sau đó, vùng tiêm rút máu cũng có thể bị thâm tím nhẹ, và sẽ tự lành trong khoảng chừng một ngày thôi.
Lấy kết quả
Mẫu máu thường sẽ được xử lý bằng máy và thường có kết quả trong vòng từ 1-2 ngày.
Rủi ro
Xét nghiệm ferritin được cho là một xét nghiệm an toàn. Tuy nhiên, giống như nhiều xét nghiệm y khoa khác thì khi rút máu cũng có thể xảy ra một số vấn đề:
* ngất hoặc cảm thấy choáng váng
* tụ máu (máu tụ dưới da gây máu bầm hoặc làm cho da sưng)
* đau do đâm nhiều mũi tiêm để định vị tĩnh mạch
Giúp con bạn vượt qua nỗi sợ hãi
Làm xét nghiệm máu rất ít gây đau đớn. Tuy vậy, cũng có nhiều trẻ cảm thấy sợ kim. Việc giải thích xét nghiệm máu bằng những thuật ngữ mà bé hiểu được có thể giúp trẻ bớt sợ.
Bạn nên để cho trẻ hỏi chuyên viên bất kỳ câu hỏi nào mà bé có thể thắc mắc. Hãy bảo bé nên cố gắng thoải mái và ngồi im trong khi lấy máu, bởi khi nhúc nhích và căng cơ có thể làm cho việc lấy máu trở nên khó khăn hơn và làm cho bé đau đớn hơn. ngoài ra, trẻ cũng nên nhìn đi chỗ khác khi bị tiêm kim vào da.
Nếu bạn có quan tâm hoặc thắc mắc điều gì
Nếu bạn thắc mắc gì về xét nghiệm ferritin thì nên nói chuyện với bác sĩ. Bạn cũng có thể nói chuyện với chuyên viên lấy máu trước khi tiến hành lấy máu cho trẻ.