Khi một quốc gia mở rộng tự do, những tác động về mặt kinh tế có thể rất sâu sắc đối với quốc gia đó và những nhà đầu tư. Tự do hoá kinh tế đề cập đến một đất nước "mở rộng cửa" cho phần còn lại của thế giới về thương mại, luật lệ, thuế khoá, và những phạm vi khác nói chung ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại đất nước này. Theo quy tắc tổng quát, bạn có thể xác định mức độ tự do hoá về kinh tế của một quốc gia bằng việc xem xét đầu tư vào và kinh doanh tại đất nước đó thuận lợi như thế nào. Tất cả các quốc gia phát triển (thế giới thứ nhất) đã trải qua quá trình tự do hoá này, vì vậy bài báo hôm nay tập trung nhiều hơn vào những quốc gia đang phát triển và mới nổi.
Xoá bỏ các rào cản đối với đầu tư quốc tế
Việc đầu tư vào những nền kinh tế mới nổi đôi khi có thể là một nhiệm vụ bất khả thi nếu quốc gia bạn đang đầu tư vào đó có một số rào cản đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Những rào cản này có thể là các luật lệ về thuế, giới hạn đầu tư nước ngoài, vấn đề pháp lý và những quy định kế toán có thể gây khó khăn hoặc khiến doanh nghiệp nước ngoài không thể thâm nhập vào được quốc gia đó. Quá trình tự do hoá kinh tế bắt đầu bằng việc giảm bớt các rào cản này và giao lại một số quyền kiểm soát hướng đi của nền kinh tế cho khu vực tư nhân. Quá trình này thường bao gồm một số hình thức bãi bỏ quy định và tư nhân hoá các công ty.
Luồng vốn không hạn chế
Những mục tiêu chính của sự tự do hoá kinh tế là luồng vốn tự do giữa các quốc gia và sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực và các ưu thế cạnh tranh. Người ta thường thực hiện bằng việc giảm các chính sách bảo hộ như thuế nhập khẩu, luật thương mại và những rào cản thương mại khác. Một trong những tác động chính của hiện tượng luồng vốn chảy vào quốc gia đó ngày càng gia tăng này là làm cho các công ty tiếp cận vốn của các nhà đầu tư ít tốn kém hơn. Chi phí vay vốn thấp hơn cho phép các công ty dám nhận thực hiện những dự án có khả năng sinh lãi mà họ không tài nào thực hiện nổi nếu phí vay vốn cao hơn như trong giai đoạn trước tự do hoá, cuối cùng dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Chúng ta chứng kiến loại kịch bản tăng trưởng này diễn ra ở Trung Quốc những năm cuối thập kỷ 70 khi chính quyền Trung Quốc chủ trương đề ra con đường cải cách kinh tế quan trọng. Với số lượng khổng lồ các nguồn lực (cả con người lẫn tự nhiên), họ cho rằng đất nước đã không phát triển và thịnh vượng đúng với tiềm năng đầy đủ của mình. Vì vậy, để cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, Trung Quốc bắt đầu những cải cách kinh tế chính bao gồm khuyến khích việc tư hữu các doanh nghiệp và tài sản, nới lỏng các giới hạn đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước về nhiều mặt trong nền kinh tế. Rồi sau đó, suốt những thập niên kế tiếp, Trung Quốc đạt được bình quân tốc độ tăng trưởng GDP trên thực tế có tính chất hiện tượng là hơn 10%.
Kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán
Nói chung, khi một quốc gia được tự do hoá, các giá trị trên thị trường chứng khoán cũng tăng lên. Những nhà quản lý quỹ đầu tư và nhà đầu tư luôn theo dõi sát sao những cơ hội mới để có lợi nhuận, và vì vậy cả đất nước trong tình trạng sẵn sàng chào đón đầu tư sẽ thường dẫn đến kết quả là các dòng vốn chảy vào ngày càng nhiều. Về cơ bản, tình huống này tương tự với sự mong chờ và luồng tiền chảy vào một đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu ( IPO ). Công ty tư nhân trước đây không thể dành cho nhà đầu tư thì nay bất ngờ trở nên rộng mở với họ thường tạo ra mô hình dòng tiền mặt và giá trị cũng giống như vậy. Tuy nhiên, như một đợt phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO), sự hăng hái lúc đầu cuối cùng cũng dịu đi và trở lại bình thường hơn và phù hợp hơn với những nguyên tắc cơ bản.
Rủi ro chính trị giảm
Ngoài ra, tự do hóa làm giảm các rủi ro chính trị cho những nhà đầu tư. Đối với chính phủ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thì những phương diện khác khác ngoài những gì đã đề cập trên đây cũng phải được nhấn mạnh. Đây là những mặt mà hỗ trợ và cổ vũ người ta tự nguyện kinh doanh ở đất nước này, chẳng hạn như một nền tảng cơ sở pháp lý mạnh để giải quyết các tranh chấp, các luật liên quan đến hợp đồng có thể thực thi và mang tính công bằng, luật về tài sản, và những luật lệ khác cho phép các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động một cách tự tin. Thêm nữa, bộ máy quan liêu của chính phủ là một khu vực mục tiêu thông thường phải được tổ chức hợp lý và cải thiện trong quá trình tự do hoá. Tất cả những thay đổi này kết hợp với nhau làm giảm thấp những rủi ro chính trị cho nhà đầu tư, và mức rủi ro thấp hơn này cũng là một phần nguyên nhân thị trường chứng khoán ở quốc gia được tự do hoá tăng lên khi các rào cản mất đi.
Đa dạng hoá cho nhà đầu tư
Các nhà đầu tư cũng có thể hưởng lợi bởi khả năng đầu tư một phần danh mục đầu tư của họ vào nhóm tài sản đa dạng hoá. Nhìn chung, mối tương quan giữa những quốc gia phát triển chẳng hạn như Mỹ và những quốc gia chưa phát triển hoặc mới nổi khá thấp. Mặc dù rủi ro chung của quốc gia mới nổi bản thân nó có thể cao hơn bình thường, nhưng việc bổ sung tài sản tương quan thấp vào danh mục đầu tư của bạn có thể giảm phạm vi rủi ro chung của danh mục đầu tư ấy.
Tuy nhiên, cần có sự phân biệt dù mối tương quan có thể thấp, khi một quốc gia được tự do hoá, thì mối tương quan trên thực tế có thể tăng lên theo thời gian. Điều này xảy ra vì quốc gia ấy hợp nhất hơn với phần còn lại của thế giới và đã trở nên nhạy cảm hơn với những sự kiện diễn ra bên ngoài. Mức độ nhất thể hoá cao hơn có thể cũng đưa đến rủi ro lây lan gia tăng – tức là rủi ro mà các cuộc khủng hoảng diễn ra ở những quốc gia khác nhau gây ra những cuộc khủng hoảng trong nước.
Ví dụ tiêu biểu là Liên minh Châu Âu (EU) và các liên minh kinh tế chính trị chưa từng có trong liên minh. Các quốc gia thuộc EU nhất thể hoá về chính sách tiền tệ và luật lệ cao đến mức một cuộc khủng hoảng tại một quốc gia sẽ có nhiều khả năng lan sang các quốc gia khác trong EU. Đây đúng là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008-2009. Những quốc gia yếu trong EU (Hy Lạp chẳng hạn) bắt đầu ngày càng bộc lộ những vấn đề về tài chính nghiêm trọng nhanh chóng lan sang các thành viên EU khác. Trong trường hợp này, đầu tư vào nhiều nước thành viên EU khác nhau sẽ không đem lại nhiều lợi nhuận đa dạng vì mức độ nhất thể hoá cao về kinh tế trong EU làm tăng các mối tương quan và gia tăng các rủi ro lây lan cho nhà đầu tư.
Kết luận
Tự do hoá kinh tế thường được nghĩ đến như là một quá trình có lợi và nên tiến hành đối với những quốc gia đang phát triển và mới nổi. Mục tiêu cơ bản là có luồng vốn vào ra không bị giới hạn để thúc đẩy tăng trưởng và tính hiệu quả kinh tế nước nhà. Những tác động theo sau quá trình tự do hoá là những gì gây chú ý các nhà đầu tư vì có thể đem lại những cơ hội mới để có lợi nhuận và sự đa dạng hoá trong đầu tư.