Nhiễm trùng đường tiểu là gì?
Khoảng chừng ½ phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI) vào một lúc nào đó trong đời. Chứng bệnh này xảy ra khi các mầm bệnh làm nhiễm trùng cơ quan dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể - thận, bàng quang, và các ống nối chúng với nhau. Viêm bàng quang là bệnh thường thấy và thường không gây nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời. Nhưng nếu chứng nhiễm trùng này lan sang thận thì nó có thể gây ra bệnh nguy hiểm hơn.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu: Viêm bàng quang
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu đều bị viêm bàng quang, triệu chứng bao gồm:
* Đau hoặc rát khi đi tiểu
* Thường xuyên mắc tiểu
* Đau bụng dưới
* Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi khó chịu
* Một số người có thể không có triệu chứng gì
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu: Nhiễm trùng thận
Chứng viêm bàng quang nếu để lâu không chữa thì nó có thể lây sang thận, dấu hiệu gồm:
* Đau ở hai bên thắt lưng
* Ớn lạnh và sốt
* Buồn nôn và ói mửa
Khi nào nên đến khám bác sĩ
Bạn nên đến khám bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu. Viêm bàng quang thường không phải là bệnh cấp cứu – nhưng một số người có nguy cơ biến chứng cao hơn, gồm phụ nữ có thai, người lớn tuổi, và nam giới, cũng như bệnh nhân bị tiểu đường, bị bệnh thận, hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
Nhiễm trùng đường tiểu hay là một chứng bệnh nào khác?
Mặc dù cảm giác nóng rát khi đi tiểu là một dấu hiện báo trước chứng nhiễm trùng đường tiểu (UTI), nhưng đây cũng là một triệu chứng của một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs.) nào đó như bệnh lây qua đường tình dục, bệnh lậu, và bệnh trùng mảng uốn roi đuôi. Người ta có thể làm nhiều xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đơn giản để phân biệt UTI với STD.
Viêm bàng quang tuần trăng mật
Ít có thứ gì có thể làm hỏng tuần trăng mật như bệnh nhiễm trùng đường tiểu cả. Nhưng điều này cũng thường hay xảy ra, như tên của nó – “viêm bàng quang tuần trăng mật”. Nguyên nhân là do hoạt động tình dục có thể đẩy vi khuẩn vào niệu đạo. Tất nhiên là vấn đề này không chỉ xảy ra ở tuần trăng mật thôi. Một số phụ nữ bị viêm bàng quang hầu như ở mỗi lần quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, phụ nữ sử dụng màng chắn tránh thai cũng thường rất dễ bị tổn thương.
Chứng nhiễm trùng đường tiểu mà bệnh nhân không ý thức được
Đôi khi bệnh nhiễm trùng đường tiểu xảy ra mà không có triệu chứng gì cổ điển. Bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng gì. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu cho thấy có vi khuẩn. Đây được gọi là chứng tồn tại vi khuẩn trong nước tiểu mà không có triệu chứng bệnh lý gì. Trong nhiều trường hợp, không cần phải điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Nhưng đối với phụ nữ có thai, một số trẻ em, và người nhận ghép thận nên được điều trị để tránh làm nhiễm trùng thận.
Các biến chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu
Mối nguy hiểm chính liên quan đến chứng nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị là nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang sang một hoặc cả hai quả thận. Khi vi khuẩn tấn công thân, chúng có thể gây tổn thương cho thận và tổn thương này sẽ làm giảm chức năng thận vĩnh viễn. Ở những người đã bị bệnh thận, thì đây có thể làm tăng nguy cơ suy thận. Bên cạnh đó cũng có nguy cơ là bệnh nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và lây lan đến nhiều cơ quan khác.
Chứng nhiễm trùng đường tiểu khởi phát như thế nào?
Nhiều loại vi khuẩn sống trong ruột và cơ quan sinh dục, nhưng đây không phải là hệ tiết niệu. Thực ra, nước tiểu là vô trùng. Vì thế khi vi khuẩn lang thang, chẳng hạn như trực khuẩn E.coli minh hoạ trong hình này, được đưa vào hệ tiết niệu một cách ngẫu nhiên, nó có thể là khởi phát chứng nhiễm trùng đường tiểu. Thông thường thì vi khuẩn vào niệu đạo đến bàng quang, và làm nhiễm trùng nơi đây. Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn nam giới, có lẽ bởi niệu đạo của họ ngắn hơn.
Điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn?
Nhiễm trùng đường tiểu thường thấy nhất ở những phụ nữ quan hệ tình dục. Nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn gồm:
* Không uống đủ nước
* Tắm nhiều lần
* Nín tiểu
* Sỏi thận
Nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới
Nam giới rất ít bị nhiễm trùng đường tiểu hơn phụ nữ. Nhưng khi mắc bệnh thì thường liên quan đến một chứng bệnh nào đó tiềm ẩn khác, chẳng hạn như sỏi thận hoặc giãn tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiểu
Bước đầu tiên để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu thường là một xét nghiệm nước tiểu đơn giản được gọi là phân tích nước tiểu. Xét nghiệm này dò tìm vi khuẩn, đồng thời tính được số tế bào hồng cầu và bạch cầu bất thường. Xét nghiệm bằng que thử nước tiểu cho kết quả rất nhanh. Bác sĩ cũng có thể gởi nước tiểu của bạn đến phòng thí nghiệm cấy vi khuẩn để xác định loại vi khuẩn. Các dụng cụ làm xét nghiệm ở nhà cũng có thể giúp phát hiện được UTI, nhưng không chính xác hoàn toàn 100%. Đảm bảo nên thông báo kết quả và các triệu chứng cho bác sĩ biết.
Điều trị nhiễm trùng đường tiểu
Thuốc kháng sinh theo toa hầu như lúc nào cũng chữa được chứng nhiễm trùng đường tiểu. Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để làm sạch vi khuẩn. Nhiễm trùng thận thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng uống. Nhưng nhiều trường hợp nhiễm trùng thận nặng có thể phải cần nhập viện, bao gồm cả quá trình sử dụng thuốc kháng sinh truyền qua đường tĩnh mạch.
Điều trị chứng nhiễm trùng đường tiểu tái phát
Một số phụ nữ rất dễ tái đi tái lại chứng nhiễm trùng đường tiểu. Nếu mỗi năm bạn cứ bị từ 3 lần trở lên thì nên nói chuyện với bác sĩ về cách phòng tránh và hạn chế đối đa chứng bệnh nhiễm trùng này. Bạn có thể lựa chọn những phương án dưới đây:
* Sử dụng kháng sinh liều thấp trong thời gian dài
* Dùng một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục
* Sử dụng thuốc kháng sinh ngay tức khắc như là một phương pháp tự điều trị khi thấy bộc phát các triệu chứng bệnh
Bệnh tiểu đường và nhiễm trùng đường tiểu
Người bị tiểu đường dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn vì một số lý do. Một là, hệ miễn dịch của họ thường yếu hơn. Hai là, lượng đường trong máu cao có thể tràn vào nước tiểu và làm cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Hơn nữa, tổn hại thần kinh do tiểu đường gây ra có thể làm cho bàng quang không sạch hết nước tiểu. Bệnh nhân bị tiểu đường nên thông báo cho bác sĩ biết dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu đầu tiên.
Chứng nhiễm trùng đường tiểu và thai nghén
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu trong thời kỳ thai nghén, nhất là nhiễm trùng thận. Các hooc-môn làm cho đường tiểu biến đổi, và tử cung có thể đè nặng lên niệu quản hoặc bàng quang hoặc đè nặng lên cả hai – làm cho nước tiểu dẫn truyền từ thận đến bàng quang và ra ngoài trở nên khó khăn hơn. nhiễm trùng đường tiểu nếu để lâu không chữa có thể góp phần gây sinh non, vì vậy bạn nên đảm bảo phải thông báo cho bác sĩ biết nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trùng nhé.
Nhiễm trùng đường tiểu và thời kỳ mãn kinh
Hoóc-môn estrogen có tác dụng bảo vệ đường tiểu, nhưng nồng độ hoóc-môn này giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh. Nồng độ hoóc-môn môn ét-xtrô-gien thấp có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho vi khuẩn sinh sôi trong âm đạo hoặc niệu đạo. Vì lý do này mà phụ nữ có thể dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn sau khi mãn kinh.
Nhiễm trùng đường tiểu và tình trạng nằm viện
Nằm viện có thể làm cho bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu, nhất là khi bạn cần phải sử dụng ống thông đường tiểu. Đây là một ống nhỏ được chèn qua niệu đạo để dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong qua ống thông đường tiểu và đến bàng quang. Đây là một vấn đề thường xuyên xảy ra hơn đối với người già lớn tuổi phải nằm viện thời gian dài hoặc người sống ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn.
Nhiễm trùng đường tiểu ở người già lớn tuổi
Nhiễm trùng đường tiểu là chứng nhiễm trùng thường thấy nhất ở người già. Nhưng các triệu chứng có thể không theo một kiểu cổ điển. Kích động, mê sảng, hoặc có những thay đổi hành vi khác có thể là một dấu hiệu duy nhất của bệnh đối với cả nam giới và phụ nữ lớn tuổi. Nhóm tuổi này cũng thường dễ phát sinh các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng đường tiểu gây ra.
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ sơ sinh
Trẻ nhỏ đôi khi cũng bị nhiễm trùng đường tiểu, nhưng chúng không thể nói cho bạn nghe cảm giác của mình được. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn theo dõi con mình:
* Sốt không rõ nguyên nhân
* Nước tiểu có mùi lạ
* Chán ăn hoặc ói mửa
* Hay quấy khóc
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ
Có khoảng 1% bé trai và 3% bé gái bị nhiễm trùng đường tiểu trước 11 tuổi, bao gồm một số trẻ nhịn tiểu nhiều lần. Các cơ của chúng có thể không giãn đủ để có thể đi tiểu hết và đẩy vi khuẩn ra ngoài. Trẻ nhỏ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách đi tiểu thường xuyên hơn và uống nhiều nước hơn. một vài em có vấn đề về cấu trúc làm cản trở luồng nước tiểu hoặc làm cho nước tiểu trở ngược từ bàng quang vào thận, gây nhiễm trùng thận mãn tính.
Nhiễm trùng đường tiểu hay vấn đề huấn luyện đi vệ sinh?
Các tai nạn thường xảy ra trong suốt quá trình cho trẻ nhỏ tự đi vệ sinh. Thậm chí khi trẻ đã quen với việc ngồi bô cũng có thể bị rủi ro. Nhiều trẻ có thể khóc thét hay la toáng lên khi phải ngồi bô, đây là một cách chống đối của chúng. Thông thường thì đây không phải là dấu hiệu của chứng nhiễm trùng đường tiểu.
Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh:
* Uống nhiều nước.
* Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.
* Lau từ trước ra sau.
* Tránh xịt vệ sinh phụ nữ.
* Bạn nên tắm vòi hoa sen thay vì bồn tắm.
Mối tương quan với man việt quất (tiểu hồng mai)
Có thể mẹ bạn đã kể cho bạn biết nước ép man việt quất có tác dụng chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Mẹ bạn nói gần đúng đấy. Một số công trình nghiên cứu cho thấy man việt quất có thể phòng tránh, nhưng không chữa được bệnh nhiễm trùng, và hiệu quả hơn đối với phụ nữ ở tuổi thanh niên và trung niên. Man việt quất chứa chất có thể làm cho vi khuẩn đường ruột E coli không bám được vào vách bàng quang. Nếu không thích mùi vị của nước ép man việt quất, thì các viên nén hoặc viên con nhộng cũng có tác dụng tốt. Người có tiền sử bị sỏi thận nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.