Những hình ảnh mới ấn tượng chụp các ngọn núi trên Sao Hỏa có thể là bằng chứng thuyết phục nhất cho đến nay về nước chảy dạng lỏng, thành phần thiết yếu của sự sống.
Các phát hiện này, được tạp chí Khoa Học đăng tải hôm nay, là kết quả của cuộc nghiên cứu phối hợp giữa Mỹ và Thụy Sĩ.
Một loạt hình ảnh truyền về từ Vệ Tinh Quỹ Đạo Thăm Dò Sao Hỏa cho thấy nhiều “sợi tua” dài, sẫm màu rộng vài mét.
Chúng hiện ra giữa các tầng đá trồi trên mặt đất và chảy hàng trăm mét xuống các dốc đứng hướng về phía những đồng bằng bên dưới.
Chúng xuất hiện trên các sườn đồi sưởi ấm dưới nắng hè, chảy quanh các chướng ngại vật và đôi khi tách ra hoặc nhập vào, nhưng lúc đông về, các sợi tua nhạt dần đi.
Các nhà nghiên cứu nói, điều này khiến ta nghĩ rằng chúng hình thành từ bùn rã.
“Khó mà tưởng tượng chúng hình thành từ bất kỳ thứ gì ngoài chất lỏng thấm xuống các sườn dốc,” theo lời nhà khoa học Richard Zurek của Dự Án Vệ Tinh Quỹ Đạo Thăm Dò Sao Hỏa thuộc Phòng Thí Nghiệm Lực Đẩy Phản Lực của NASA, nhưng chúng hiện ra khi thời tiết quá lạnh đối với nước ngọt.
Nước mặn
“Cách giải thích phù hợp nhất của chúng tôi đến nay về những quan sát này là dòng nước mặn, dù nghiên cứu này không chứng minh như thế,” đó là tuyên bố của giáo sư Alfred McEwan, nhà địa chất học hành tinh và là người sáng lập chính của Phòng Thí Nghiệm Mặt Trăng và Hành Tinh, thuộc Đại Học Arizona.
Độ mặn làm giảm nhiệt độ đóng băng của nước, và nước có độ mặn xấp xỉ các đại dương của Trái Đất có thể tồn tại ở những điểm này vào mùa hè.
“Đây có thể là hiện tượng nước chảy đầu tiên,” theo lời Giáo sư McEwen. Điều này có những hàm ý sâu sắc trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.
“Nước lỏng vô cùng quan trọng đối với sự sống, và chúng ta đã tìm thấy sự sống trên Trái Đất trong mỗi ngóc ngách ẩm ướt,” đó là lời Tiến sĩ Lewis Dartnell, nhà sinh vật học vũ trụ thuộc University College Lodon, người không tham gia vào cuộc nghiên cứu này.
“Vì vậy có lẽ có vi trùng giỏi chịu đựng còn sống sót trong các giai đoạn ngắn nước tan băng vào mùa hè trên bề mặt hoang vu của Sao Hỏa.”
Điều này được lặp lại bởi một chuyên gia về sự sống trong môi trường khắc nghiệt, Giáo sư Shiladitya DasSarma thuộc Đại Học Maryland, cũng không liên quan đến nghiên cứu này : “Kết quả của họ cũng phù hợp với sự hiện diện của các hồ nước mặn ngầm rộng lớn trên Sao Hỏa.”
“Đây là một khả năng thú vị cho chúng tôi những người nghiên cứu các vi sinh vật ưa mặn (chịu mặn) trên trái đất này, bởi vì nó mở ra khả năng các loại vi khuẩn có sức chịu đựng cao này có thể cũng tồn tại trên hành tinh láng giềng của chúng ta,” ông ấy nói.
“Vi trùng chịu mặn là các nhà vô địch chịu đựng môi trường khắc nghiệt nhất, tình trạng hoàn toàn khô và bức xạ (không gian) i-on hóa.
Đối với nhà địa chất Joe Levy của Đại Học Quốc Gia Portland, một chuyên gia về các hệ sinh thái hoang mạc Nam Cực, không cộng tác trong công trình này, chúng “đại diện cho một mục tiêu sinh vật học vũ trụ thực sự hấp dẫn”.
Thế thì những sợi tua nhỏ và bí ẩn này có thể là nơi tốt nhất để tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa. Giáo sư McEwan nói rằng “đối với sự sống ngày nay, đây là những nơi dễ tiếp cận nhất”.