Những ai đã đi du lịch ngoài Bắc Mỹ hầu như đều thấy rằng giá cả khắp nơi trên thế giới rất khác nhau. Những gì là xa xỉ phẩm ở nước này có khi lại tương đối bình thường ở quốc gia khác và ngược lại. Giá là một cơ chế trung tâm trong kinh tế học vì nó đại diện cho vị thế nhà cung cấp và người tiêu dùng tiến hành giao dịch, vì vậy thật thú vị khi tìm hiểu những khác biệt này và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng.
Thực phẩm như nhau, giá cả rất khác nhau
Thực phẩm là một đại biểu lý tưởng cho những chênh lệch giá cả giữa các quốc gia, vì mọi người đều ăn và một quả trứng vẫn là một quả trứng ở bất kỳ nơi đâu ta đặt chân đến. Trong khi tờ The Economist lâu nay dùng các chỉ số Big Mac của mình như là một công cụ đo lường ngang giá sức mua (ppp) giữa các nước, thì Big Mac lại chỉ là một món ăn cụ thể. Và cũng thật thú vị khi tìm hiểu một số sai biệt khác.
Thịt bò xay bán khoảng 3 đô la Mỹ một ao-xơ ở hầu hết khắp nơi trên đất Mỹ, nhưng gần 6 đô la Mỹ tại Úc và 11,5 đô la Mỹ ở Đài Loan. Mặc dù mức giá sau kia là đáng kể (Đài Loan không có những đàn gia súc lớn thả rông), Úc lại khá lạ lẫm với văn hoá nông trại. Gắn liền với sản lượng chăn nuôi gia súc, sữa bán lẻ khoảng 2,25 đô la Mỹ ở Mỹ, nhưng chỉ 70 xu tại Ấn Độ và hơn một đô la một chút xíu tại Braxin và Nam Phi. Kỳ thay, sữa ở Hồng Kông bán khoảng 2 đô la Mỹ, trong khi giá tại Đài Loan cao hơn gấp hai lần.
Những điều kỳ lạ khác bao gồm cà phê, bán chạy giá chưa đến 1 đô la Mỹ/cân ở Kuwait, khoảng 2 đô la Mỹ/cân tại Braxin, nhưng ở Nam Phi giá gần 14 đô la Mỹ/cân, và trứng bán khoảng 40 xu ở Ấn Độ, nhưng gần 5 đô la Mỹ tại Úc.
Để làm cho mọi chuyện rắc rối thêm chút, hãy xét trường hợp Coca-Cola. Coca-Cola có thể nói là ít thay đổi y chang như Big Mac, nhưng giá (dao động từ khoảng 1 đến 1,89 đô la Mỹ ở Mỹ) nằm trong phạm vi từ chưa tới 80 xu tại Nam Phi đến hơn 3 đô la tại Úc.
Thuốc men, rau quả và đi lại
Thực phẩm chưa phải là trường hợp duy nhất giá cả có thể hoàn toàn khác nhau từ vùng này đến vùng kia. Cũng là ngồi xe tắc-xi quãng đường 3 cây số, ở Delhi, Ấn Độ, mất chưa đến 1 đô la, mà tại Cape Town, Nam Phi, khoảng 7 đô la, tại New York City, 10 đô la, hoặc ở Nhật Bản là 14 đô la. Tương tự, tiêu thụ điện chiếu sáng ở Mỹ chỉ phải trả chút phí tương đương 11 xu mỗi ki-lô-oát giờ, nhưng tại Nam Phi là 17 xu, hoặc ở Đức, phải trả nhiều hơn, là 30 xu.
Từ Cái gì đến Tại sao
Tại sao giá cả hàng hoá và dịch vụ cùng loại về mặt lý thuyết lại quá chênh lệch nhau từ quốc gia này đến quốc gia khác vậy? Khái niệm kinh tế quy luật một giá phát biểu rằng các hàng hoá cùng loại cần có cùng mức giá trong các thị trường khác nhau và những chênh lệch chỉ nên phản ánh bằng các tỷ giá hối đoái. Trên thực tế, những chênh lệch giá cả tồn tại một cách rõ ràng và những chênh lệch đó cho thấy những chênh lệch về sức mua tương đối.
Tiền tệ và lãi suất
Chắc chắn chẳng có gì ngạc nhiên khi lạm phát gây tác động lớn đối với các mức giá tương đối, vì lạm phát thường được định nghĩa là sự gia tăng giá cả chung. Trường hợp lạm phát trở nên đặc biệt nan giải là khi xuất hiện lạm phát bất ngờ và tiền lương chậm điều chỉnh - khiến người tiêu dùng đối mặt với những khoản chi phí lớn hơn theo giá thị trường, mà không tương ứng với việc tăng tiền lương thực nhận.
Nói chung, các nước cố gắng kiềm chế lạm phát thông qua lãi suất và rồi tác động đến tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia. Mặc dù những chênh lệch tỷ giá hối đoái không bao giờ có thể được giải thích đầy đủ bằng lãi suất hay lạm phát (tỷ giá hối đoái dựa trên những mô hình đa yếu tố, cũng như dự kiến đầu tư và lãi có tính đầu cơ), nhưng chúng đóng một vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, giả sử tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và đô la Úc đã thay đổi từ 1,30 đô la còn 93 xu chỉ trong vòng 5 năm, và tỷ giá hối đoái đô la Úc so với đồng ơ-rô đã thay đổi từ 0,60 lên 0,75 trong cùng khoảng thời gian đó. Là một quốc gia nhập khẩu nhiều sản phẩm và có khuynh hướng chống lạm phát quyết liệt (và lãi suất cao nhất trong nhóm nước phát triển), không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều hàng hoá bán với giá cao ở Úc.
Thị hiếu và thuế
Đôi khi khá dễ dàng nhận ra những chênh lệch giá. Ở Nhật, đất đai khan hiếm (và các tiêu chuẩn nhập khẩu rất khắt khe), vì vậy thịt bò đắt là điều hiển nhiên. Ngược lạ, Ấn Độ có nhiều đất canh tác dành cho đậu lăng và các loại cây họ đậu khác nên giá mỗi cân đậu tương đối rẻ.
Thuế khoá và chính sách quốc gia có thể cũng có tác động rất lớn đối với giá cả trên thực tế của nhiều loại hàng hoá. Trong trường hợp xăng, có thể nhận thấy chênh lệch giá cả xăng dầu rất lớn giữa Đan Mạch (nơi người ta tính hơn 9 đô la Mỹ một ga-lông), Anh (hơn 8 đô la Mỹ một ga-lông) và Mỹ ở mức độ chính quyền nhà nước đánh thuế xăng dầu - thuế xăng dầu mỗi ga-lông (hoặc mỗi lít, trên thực tế) cả Đan Mạch và Anh đều gần như cao hơn 150% giá bán lẻ xăng dầu tại Mỹ. Trường hợp khác, Ả Rập Xê - út và Venezuela trợ cấp xăng dầu cho dân nước họ, xăng dầu ở Venezuela giá khoảng một hào mỗi ga-lông.
Tương tự, người Mỹ trả tiền mua đường nhiều hơn phần còn lại của thế giới vì thuế quan và các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đẩy giá lên một cách giả tạo. Sự chênh lệch này, thực ra, là một phần của sự tăng lên si-rô bắp hàm lượng fructose cao khi những công ty như Coca-Cola, PepsiCo và Kraft nhận thấy rằng dùng si-rô bắp thay thế đường sẽ rẻ hơn khá nhiều. Dĩ nhiên không chỉ mình Hoa Kỳ có những trò kỳ cục này - tại Việt Nam xe hơi người ta bán đắt hơn nhiều so với giá thực vì thuế nhập khẩu khá lớn.
Kết luận
Trong một số trường hợp, những chênh lệch giá cả quốc tế là những điều kì quặc khá thú vị để suy ngẫm sau khi đi ra nước ngoài. Trong những trường hợp khác, giống như những chênh lệch quốc tế giá thuốc có nhãn hiệu, chúng là một vấn đề về quyền lợi quốc gia mang tính chất nghiêm trọng. Những trường hợp còn lại, có lẽ nên tiến hành nhanh chóng một cuộc thảo luận về những ưu tiên của quốc gia và tầm cỡ vai trò của chính phủ trong khu vực kinh tế tư nhân.
Khi đề cập đến việc đánh thuế nặng đối với các tài xế để bù đắp chi phí bảo vệ môi trường tiêu thụ xăng dầu, có lẽ Đan Mạch quan niệm đúng đắn. Hoặc có lẽ người Mỹ nên chú ý nhiều hơn đến thực tế là rất nhiều hàng hoá ở nước ngoài đắt đỏ hơn nhiều và hiểu rõ giá trị gánh nặng thuế khoá chung thấp hơn mà họ gánh chịu. Bất kể trường hợp nào đi chăng nữa, thì sức mua và chất lượng cuộc sống luôn có quan hệ với nhau và mặc dù việc mua nhiều hàng hoá hơn về lâu dài có thể không làm người ta hài lòng hơn, nhưng chi phí các nhu cầu thiết yếu hàng ngày có thể là một vấn đề về sự ổn định kinh tế và chính trị tại nhiều quốc gia.