Bạn vừa mới biết là thứ Sáu này có bài kiểm tra môn Toán – cùng ngày kiểm tra môn Lịch sử quan trọng và lại còn kiểm tra vấn đáp các động từ tiếng Tây Ban Nha hằng tuần nữa chứ. Phát điên lên mất! Làm sao để “ngốn” hết bài vở đây?
Đừng sợ. Có một vài bí quyết học tốt đây. Nếu thực hiện đúng theo những điều này, bạn sẽ có thể làm hết ba bài kiểm một cách tự tin đấy.
Bắt đầu học ở trường
Học để làm bài kiểm (thi) và thi vấn đáp thực ra bắt đầu ngay cả trước khi bạn biết là sẽ thi/ kiểm tra. Các kỹ thuật học tốt bắt đầu ở lớp học chẳng hạn như kỹ thuật ghi chép. Ghi chép là cách nhớ những gì bạn đã được học hoặc nhớ những điều mà bạn đã đọc qua.
Một số bí quyết giúp ghi chép là bạn nên ghi lại những điều/ những sự kiện mà giáo viên đề cập đến hoặc viết trên bảng trong suốt buổi học. Nếu bạn bỏ lỡ hay sót điều gì đó, thì có thể nhờ giáo viên giảng lại hoặc giải thích lại sau giờ học. Nhiều bí quyết khác cũng có thể giúp ghi chép tốt là sắp xếp các điểm chú ý này theo thứ tự từng môn học và phải đảm bảo là chúng có thể dễ dàng đọc được và ôn lại được. (Có nghĩa là bạn cần nên chép lại các ghi chú này ở nhà hoặc vào thời gian rảnh khi mà đầu óc mình vẫn còn nhớ như in nhé.)
Đáng tiếc là, hầu hết các trường học đều không có buổi học huấn luyện cho học sinh biết cách ghi chép. Khi nói đến cách thức ghi chép tốt, thì có thể phải mất một vài thử nghiệm mới thấy được kết quả, đừng bỏ cuộc nhé.
quản lý thời gian
Khi ngồi học, bạn nên suy nghĩ thời gian mình muốn dành cho từng chủ đề, từng đề tài là bao nhiêu. Điều này sẽ giúp bạn phân định công việc rạch ròi, không bị lấn áp về thời gian.
Nếu hôm nay là thứ Hai, và bạn có 3 bài kiểm vào ngày thứ Sáu, thì hãy hình dung xem thời gian bạn cần để học các môn đó từ đây tới lúc làm bài là bao nhiêu. Sau đó hãy tính toán xem mỗi môn sẽ chiếm bao nhiêu thời gian. Chẳng hạn như, kiểm tra vấn đáp động từ tiếng Tây Ban Nha hằng tuần chắc có lẽ là sẽ không căng thẳng như bài kiểm môn lịch sử quan trọng. Vì thế bạn không cần dành nhiều thời gian cho nó – và nếu bạn có thể chia nhỏ để học hằng đêm, thì điều đó thậm chí còn tuyệt hơn nữa.
Một kỹ thuật giúp học tốt khác gọi là “chặt khúc/ chia nhỏ” – chia những đề tài hoặc chủ đề lớn thành từng mảng nhỏ. Chẳng hạn như bạn phải làm bài kiểm lịch sử về Chiến tranh Thế giới lần thứ II; thay vì nghĩ đến việc học hết Chiến tranh Thế giới lần thứ II này (có thể là quá sức thậm chí đối với một sử học gia), bạn hãy thử chia nhỏ các phần bài học của mình thành nhiều mục nhỏ hoặc học thuộc tài liệu bằng các trận chiến cụ thể nhé.
Khi bạn đã quyết định được khối lượng công việc có thể quản lý nổi, thì hãy cân nhắc xem mình cần khoảng thời gian là bao nhiêu để học. Hầu hết người ta có thể tập trung thực sự trong chừng 45 phút – sau đó có thể cần nên nghỉ giải lao ngắn. Nếu thấy mình bị phân tâm và nghĩ ngợi điều gì khác lúc đang học thì hãy nên tập trung lại càng sớm càng tốt. Hãy tự nhắc mình khi học xong 45 phút thì bạn có thể được nghỉ 15 phút.
Làm sao để học
Khi học, hãy xem lại các điểm ghi chép và bất kỳ kiến thức đặc biệt nào ở sách giáo khoa. Trong trường hợp môn Toán hoặc các vấn đề khoa học hoặc các phương trình, thì bạn nên làm phần thực hành/ bài tập. Chú ý đặc biệt những điều mà giáo viên có vẻ như nhấn mạnh ở lớp nhé. (Đây là chỗ để bạn ghi chép có ích cho mình đó!)
Nhiều giáo viên cho học sinh biết trước về dạng đề bài kiểm tra. Điều này có thể giúp bạn điều chỉnh cách thức học tập của mình. Chẳng hạn như, nếu bạn sắp kiểm tra về Chiến tranh Thế giới lần thứ II với dạng câu hỏi đa lựa chọn, thì bạn sẽ biết chú trọng học về các sự kiện và chi tiết. Mặt khác, nếu bài kiểm gồm các câu hỏi về tiểu luận, bạn sẽ cần nghĩ đến các chủ đề nào có thể phải được học hết. Sau đó hãy nghĩ ra một số đề tài tiểu luận có thể gặp và sử dụng các ghi chép, sách vở, và các nguồn tham khảo khác để hình dung ra cách bạn có thể trả lời những câu hỏi về các đề tài ấy như thế nào nhé.
Khi cố nhớ ngày tháng, tên, hoặc thông tin thực tế khác, thì hãy lưu ý rằng thường phải mất rất nhiều lần mới có thể nhớ đúng được (đó là một lý do vì sao nên bắt đầu học trước khi kiểm tra). Hãy sử dụng các kỹ thuật ghi nhớ đặc biệt mà giáo viên có thể đã gợi ý hoặc những kỹ thuật mà bạn tự nghĩ ra. Bạn nên đọc đi đọc lại kỹ lưỡng một vài lần nếu cần thiết, và ghi ra bất kỳ cụm từ nào hoặc ý tưởng nào có thể giúp mình nhớ những ý chính hoặc khái niệm chính.
Một số người thấy việc truyền đạt bằng lời những điều mình đang học cho một người học ảo là có ích. Hoặc là bạn nên học chung với một bạn khác và thay phiên dạy cho nhau. Một kỹ thuật giúp học tốt khác là làm thẻ ghi chú tóm tắt một số sự kiện hay khái niệm quan trọng; bạn có thể sử dụng để ôn thi sau này.
Ngày mai tôi sẽ học và nhiều lý do biện hộ khác nữa
Người ta thường hay có khuynh hướng hoãn việc học đến phút chót (cũng được gọi là chần chừ). Đáng tiếc là, khi đi học thì bài vở càng ngày càng nhiều, thường không có thời gian nào để chần chừ đâu.
Nếu bạn là người thích trì hoãn, thì một trong những cách tốt nhất để khắc phục việc đó là sắp xếp, chuẩn bị. Sau khi đã viết ra ngày thi và ngày dự định thực hiện kế hoạch của mình lên lịch thì bạn khó lòng mà lờ chúng được. Đồng thời việc ngồi sắp xếp và vạch ra kế hoạch công việc thực sự cho thấy được lượng thời gian cần thiết để thực hiện những điều đó. Việc sắp xếp, chuẩn bị này cũng giúp cho bạn khó có thể chần chừ, lưỡng lự được.
Đôi khi người ta cũng hoãn việc học bởi cảm thấy “đuối” vì mình không bắt kịp điều gì cả hoặc cảm thấy thực sự ngổn ngang, lộn xộn. Đừng để điều này xảy ra với bạn nhé. Hãy giữ các mục ghi chú của mình theo thứ tự, kiểm soát các tài liệu cần thiết, và thực hiện theo các bí quyết giúp học tốt khác đã được đề cập đến bên trên để tập trung và tự chủ được. Giáo viên sẽ báo trước cho bạn biết nhiều điều đối với các bài kiểm tra quan trọng vì vậy bạn có đủ thời giờ để học cho loại bài kiểm mà mình sẽ làm.
Nhưng nếu bạn cảm thấy quá tải bởi phải làm hết tất cả thì sao? Có phải các giờ học hoặc các hoạt động ngoại khoá đang thực sự làm cho bạn hạn chế thời gian học? Bạn nên nhờ giáo viên ưu tiên cho mình nhé. Bạn cũng có thể nhờ cậy người chịu trách nhiệm công việc của bạn nữa – chẳng hạn như huấn luyện viên hoặc giáo viên nhạc hoặc kịch của mình – để tìm ra giải pháp.
Đừng đợi đến phút chót mới thông báo cho giáo viên biết, mặc dù là bạn trông có vẻ như người thích chần chừ! Đừng ngại khi nhờ người khác giúp đỡ nhé. Giáo viên luôn tôn trọng học sinh có quan tâm, ham học và làm bài thi tốt.
Học nhóm
Đôi khi việc ôn bài lại với người cùng đang học để kiểm tra như mình cũng có thể là điều bổ ích: Bạn có thể chắc rằng các điều ghi chép của mình là đúng và đảm bảo rằng mình đã hiểu được môn học. Việc học nhóm cũng có ích bởi bạn có thể cùng nhau nghĩ ra cách ghi nhớ những khái niệm và rồi kiểm tra lẫn nhau.
Dẫu vậy, đối với một số người hay bị lo ra thì việc học nhóm có thể sẽ báo hiệu thảm hoạ đấy bởi họ dễ dàng bị phân tâm khỏi đề tài. Khi ở cùng nhóm bạn hoặc bạn học thì bạn có thể phải la cà chuyện trò hơn là học hành thực sự. Một cách để đảm bảo tập trung và giữ yên lặng khi học nhóm là nên học ở thư viện. Bạn sẽ bị buộc phải kiềm chế hơn là học ở bàn nhà bếp của một người nào đó.
Nếu bạn thích học một mình và cảm thấy tự tin nhất khi học như thế, tuyệt thôi. Còn nếu thích học nhóm, thì hãy thử xem sao – chỉ có điều là nên biết những mặt hạn chế của nó nhé.
“Thanh toán hết”
Khi đã học xong, bạn sẽ cảm thấy mình có thể làm bài kiểm hoặc bài thi vấn đáp một cách tự tin – không nhất thiết là sẽ trả lời đúng 100%, nhưng bạn đã có kiến thức tốt về nó rồi.
Đừng hoảng sợ nếu bạn không nhớ được một số điều vào đêm trước khi làm bài kiểm. Dù bạn đã học nguyên buổi tối thì não của bạn cũng cần có thời gian để xử lý hết những thông tin đó chứ. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi sau khi thức dậy bạn sẽ nhớ ra những điều ấy thôi mà.