20 May 2011 Last updated at 01:50 GMT
http://www.bbc.co.uk/news/world-middle-east-13465133
Thủ tướng Israel Netanyahu bác bỏ quan điểm ‘đường biên giới 1967’ của Obama
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ những lời bình luận từ tổng thống Hoa Kỳ Obama cho rằng nhà nước Palestine tương lai phải dựa trên các đường biên giới 1967.
trong một bài diễn văn quan trọng gửi đến Bộ Ngoại Giao, Ông Obama nói “những trao đổi mà hai bên cùng đồng ý” sẽ giúp tạo ra “một Palestine có thể tồn tại, và một Israel an toàn”.
Nhưng Ông Netanyahu nói những đường biên giới ấy, đã tồn tại trước cuộc chiến Trung Đông năm 1967, là “không thể bênh vực được”.
Ông Netanyahu đang chuẩn bị hội kiến Ông Obama cho cuộc đàm phán tại Tòa Bạch Ốc.
Ước tính có 300.000 người Israel sống trong các khu định cư được xây dựng ở Bờ Tây, nằm ngoài các biên giới nói trên.
Theo luật quốc tế các khu định cư này là bất hợp pháp, cho dù Israel bất đồng về điều này
Tìm kiếm các giải pháp
Trong bài diễn văn hôm thứ Năm về tương lai của chính sách Hoa Kỳ tại Trung Đông, Ông Obama nói nền tảng của những cuộc hòa đàm là tạo ra “một Palestine có thể tồn tại, và một Israel an toàn”.
Ông nói, “Hoa Kỳ tin rằng đàm phán sẽ dẫn đến kết quả hai nhà nước, biên giới thường trực của Palestine với Israel, Jordan, và Ai Cập, và biên giới thường trực của Israel với Palestine”.
“Biên giới của Israel và Palestine nên dựa trên các đường phân chia năm 1967 với những trao đổi mà hai bên cùng đồng ý, sao cho hình thành được các đường biên giới an toàn và được công nhận cho cả hai quốc gia.”
Trong một bản tuyên bố, văn phòng của Ông Netanyahu cho biết ông đánh giá cao “cam kết hòa bình” của Ông Obama nhưng để hòa bình tồn tại lâu dài, “khả năng tồn tại của một quốc gia Palestine không thể diễn ra với giá phải trả là khả năng tồn tại của một và chỉ một quốc gia Do Thái”.
Bản tuyên bố này kêu gọi Ông Obama tái xác nhận những cam kết của ông ấy với Isreal vào năm 2004.
“Trong số những điều khác, những cam kết ấy có nói Israel không phải rút về những đường phân định năm 1967 vừa không thể bênh vực vừa để các trung tâm dân cư quan trọng của Israel tại Judea và Samaria nằm ngoài những đường phân định ấy,” bản tuyên bố đã nói.
“Những cam kết ấy còn bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng của Israel với tư cách là một quốc gia Do Thái bằng cách nói rõ người tỵ nạn Palestine sẽ định cư ở một quốc gia Palestine tương lai chứ không phải ở Israel.”
Phóng viên Wyre Davies của BBC tại Jerusalem nói rằng trong khi Ông Netanyahu sẽ được tiếp đón nồng nhiệt tại Hoa Kỳ, ông ấy đang chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng phải làm dịu đi những chống đối của mình đối với một quốc gia Palestine sau thỏa thuận thống nhất được ký kết giữa các nhóm Palestine đối địch Hamas và Fatah vào đầu tháng này.
Nếu dự án thống nhất tồn tại, phóng viên bản đài cho biết, Ông Netanyahu có thể thất bại trong khi các quốc gia khác đón nhận những sáng kiến mới mẻ về Palestine.
Phóng viên bản đài cho biết thêm, việc Israel tuyên bố là một quốc gia dân chủ duy nhất trong khu vực còn bị phá hỏng vì những tiến triển đột biến của các vụ nổi dậy chống chính phủ của phong trào Mùa Xuân Ả Rập.
Sức ép dân chủ bắt đầu bằng cuộc lật đổ tổng thống Zine al-Abidine của Tunisia vào tháng Giêng. Lãnh tụ Ai Cập Hosni Mubarak sau đó bị truất phế tại Ai Cập, trong khi những người biểu tình ở Libya hiện đang tiến hành lật đổ nhà độc tài Moammar Gaddafi.
Các cuộc nổi dậy tương tự cũng đang hình thành ở Bahrain, Yemen và Syria.