Giới thiệu
Trong Chiến tranh Thế giới 2, bạn có thể mua một ổ bánh mỳ với 0,15 đô la Mỹ, một chiếc xe hơi mới với giá thấp hơn 1000 đô la và một căn nhà bình thường khoảng 5000 đô la. Trong thế kỷ 21, bánh mỳ, xe hơi, nhà cửa và hầu như mọi thứ khác đều đắt đỏ hơn. Đắt hơn rất nhiều. Rõ ràng, chúng ta đã trải qua rất nhiều lạm phát trong hơn 60 năm qua.
Khi lạm phát lên đến mức hai con số trong giai đoạn nửa cuối thập niên 1970, người Mỹ tuyên bố lạm phát là kẻ thù chung số 1. Từ đó, mối bận tâm của công chúng đã lắng dịu cùng với lạm phát, nhưng người ta vẫn sợ lạm phát, thậm chí là lạm phát ở mức thấp nhất mà chúng ta đã chứng kiến trong những năm qua. Mặc dù mọi người đều biết giá cả tăng theo thời gian, nhiều người không biết những thế lực đằng sau lạm phát.
Cái gì gây ra lạm phát? Nó ảnh hưởng đến mức sống của bạn như thế nào? Bài hướng dẫn này sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này và xem xét các khía cạnh khác của lạm phát.
Lạm phát là gì?
Lạm phát được định nghĩa là một sự gia tăng liên tục mức tổng quát giá cả các hàng hoá và dịch vụ. Được tính như một sự gia tăng tỷ lệ hàng năm. Khi lạm phát tăng, mỗi đồng đô la bạn sở hữu sẽ mua được tỷ lệ nhỏ hơn một món hàng hay dịch vụ nào đó hơn.
Giá trị một đồng đô la không bất biến khi có lạm phát. Giá trị một đồng đô la được khảo sát về phương diện sức mua, nghĩa là hàng hoá hữu hình, có thực mà đồng tiền có thể mua được. Khi lạm phát tăng lên, thì sức mua của đồng tiền giảm xuống. Ví dụ, tỷ lệ lạm phát là 2% hàng năm, về mặt lý thuyết một gói kẹo cao su giá 1 đô sẽ tính là 1,02 đô trong một năm. Sau lạm phát, đồng đô la của bạn không thể mua món hàng tương tự như đã mua trước đó.
Có một vài mức biến đổi về lạm phát:
- Giảm phát là khi mức tổng quát giá cả giảm. Mức này trái với lạm phát.
- Siêu lạm phát là lạm phát tăng nhanh bất thường. Trong những trường hợp đặc biệt, mức này có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ một quốc gia. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về siêu lạm phát là sự kiện xảy ra ở Đức năm 1923, khi giá cả tăng 2 500% trong một tháng.
- Lạm phát trì trệ là sự kết hợp của tình trạng thất nghiệp cao và sự đình đốn của nền kinh tế. Trường hợp này xảy ra trong những nước công nghiệp giai đoạn những năm 1970, khi một nền kinh tế xấu câu kết với OPEC nâng giá dầu lên.
Trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia phát triển đã cố gắng duy trì tỷ lệ lạm phát dao động ở 2-3%
Nguyên nhân của lạm phát
Các nhà kinh tế học không ngừng tranh cãi về các nguyên nhân của lạm phát. Mặc dù không có một nguyên nhân cụ thể nào nhận được sự nhất trí của tất cả mọi người, nhưng có ít nhất hai lý thuyết được chấp nhận rộng rãi:
Lạm phát do nhu cầu tăng - Lý thuyết này có thể tóm lược là "quá nhiều tiền săn lùng quá ít hàng hoá". Nói cách khác, nếu cầu tăng nhanh hơn cung, giá cả sẽ tăng. Điều này thường xảy ra trong những nền kinh tế đang phát triển.
Lạm phát do chi phí sản xuất tăng - Khi chi phí của các công ty tăng lên, họ cần tăng giá để duy trì mức lợi nhuận của mình. Chi phí tăng có thể bao gồm những thứ như tiền công, thuế, hoặc chi phí nhập khẩu tăng.
Chi phí lạm phát
Hầu hết mọi người nghĩ lạm phát là xấu xa, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Lạm phát tác động đến mỗi người một khác. Nó còn phụ thuộc vào lạm phát đã lường trước hay không lường trước được. Nếu tỷ lệ lạm phát phù hợp với những gì đa số mọi người đang kỳ vọng (lạm phát dự kiến), thì chúng ta có thể bù đắp và chi phí sẽ không cao. Ví dụ, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất và người lao động có thể thương thảo những hợp đồng có điều khoản tăng lương tự động khi giá cả tăng.
Những vấn đề nảy sinh khi lạm phát ngoài dự kiến
- Những người cho vay sẽ thiệt và người đi vay sẽ lợi nếu người cho vay không tính chính xác trước lạm phát. Đối với người đi vay, điều này giống như vay không lãi suất.
- Việc không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngại chi tiêu. Nó gây thiệt hại đối với sản lượng kinh tế trong dài hạn.
- Những người sống dựa vào thu nhập cố định, chẳng hạn như những người đã về hưu sẽ thấy số tiền hưu ít ỏi của mình giảm khả năng mua sắm và, vì vậy, giảm mức sống.
- Toàn bộ nền kinh tế phải hấp thu các chi phí điều chỉnh lại giá ("chi phí thực đơn") khi các hoạt động yết giá, đóng nhãn, lập danh mục và nhiều công việc khác phải được cập nhật.
- Nếu tỷ lệ lạm phát lớn hơn tỷ lệ của các quốc gia khác, các sản phẩm nội địa sẽ trở nên kém cạnh tranh.
Những người ưa than phiền về giá cả leo thang, nhưng họ thường lờ đi thực tế là lương cũng đã tăng. Lạm phát chẳng là vấn đề gì cả, mà vấn đề là lạm phát đang diễn ra nhanh hơn mức tăng lương của bạn.
Cuối cùng, lạm phát là dấu hiệu nền kinh tế đang phát triển. Trong một vài trường hợp, lạm phát ít (hoặc thậm chí giảm phát) có thể tồi tệ như lạm phát cao. Không lạm phát có thể là dấu hiệu nền kinh tế đang suy yếu. Như bạn thấy, không dễ dàng liệt lạm phát là tốt hay xấu - nó phụ thuộc vào cả nền kinh tế nói chung cũng như tình thế của riêng bạn.
Lạm phát được tính như thế nào?
Đo lường lạm phát là một bài toán nan giải đối với các nhà thống kê của chính phủ. Để thực hiện công việc này, một số hàng hoá đại diện cho nền kinh tế được tập hợp lại một chỗ gọi là "chiếc giỏ thị trường". Chi phí của cái giỏi này sau đó được so sánh theo thời gian. Điều này dẫn đến chỉ số giá cả, đó là chi phí của cái giỏ thị trường hôm nay như là một tỷ lệ phần trăm của chi phí chính cái giỏ ấy lúc đầu năm.
Tại Bắc Mỹ, có 2 chỉ số giá cả chính để đo lường lạm phát:
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - Một công cụ đo lường những biến động giá cả hàng hoá dịch vụ tiêu dùng chẳng hạn như xăng, thực phẩm, quần áo và ôtô. CPI đo lường sự thay đổi giá cả dưới con mắt người mua. Dữ liệu CPI của Hoa Kỳ có thể tìm thấy ở Cục Thống kê Lao động.
- Chỉ số giá sản xuất (PPI) - Một nhóm các chỉ số đo lường sự thay đổi bình quân giá bán của những nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ theo thời gian. Các PPI đo lường sự thay đổi giá cả dưới con mắt người bán. Dữ liệu PPI của Hoa Kỳ có thể được tìm thấy tại Cục Thống kê Lao động.
Bạn có thể xem các chỉ số giá cả là những cuộc khảo sát lớn. Mỗi tháng, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ liên lạc hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, cơ sở dịch vụ, đơn vị cho thuê và phòng mạch nhằm lấy thông tin giá cả của hàng ngàn mặt hàng được dùng để theo dõi và đo lường các biến động về giá trong CPI. Họ ghi lại giá cả của khoảng 80 ngàn mặt hàng mỗi tháng, con số này đại diện cho mẫu lựa chọn về mặt khoa học các mức giá người tiêu dùng mua hàng hoá và dịch vụ.
Trong khoảng thời gian dài, các PPI và CPI khác nhau cho thấy tỷ lệ lạm phát tương đương nhau. Hiện tượng này không xuất hiện trong thời gian ngắn, vì các PPI thường tăng trước CPI. Nói chung, các nhà đầu tư theo dõi CPI nhiều hơn các PPI.