10 March 2011 Last updated at 05:55 GMT
http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-12689911
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lưu vong của Tây Tạng sắp bàn giao vai trò chính trị
Lãnh tụ tinh thần sống lưu vong của Tây Tạng, đức Đạt-Lai Lạt-Ma, vừa công bố kế hoạch được chờ đợi từ lâu bàn giao các trách nhiệm chính trị của ông cho một nhân vật đắc cử
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cho biết ông sẽ bắt đầu quá trình rút lui chính thức tại cuộc họp quốc hội lưu vong của Tây Tạng vào thứ Hai tới
Ông nói động thái này là vì quyền lợi lâu dài của người dân Tây Tạng
Công bố này được đưa ra trong một bài phát biểu của đức Đạt-Lai Lạt-Ma, đánh dấu lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy tại Tây Tạng năm 1959
“Ngay từ đầu thập niên 1960, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng người Tây Tạng cần một lãnh tụ, được nhân dân Tây Tạng tự do bầu chọn, là người tôi có thể bàn giao quyền lực,” ông tuyên bố tại Dharamsala, thành phố Ấn Độ nơi ông đang sống
“Giờ đây, rõ ràng chúng ta đã đến thời điểm thực thi điều đó.”
Ông nói thêm quyết định của ông không phải vì ông muốn “né tránh trách nhiệm” hay vì cảm thấy ngã lòng
Mark Dummett của BBC tại Delhi nói rằng bất kỳ ai thay thế đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ phải đối diện trước một nhiệm vụ đáng nản lòng, bởi vì không có người Tây Tạng nào khả dĩ sánh được với uy quyền của ông trong vai trò lãnh tụ tinh thần và chính trị
Ông cũng kêu gọi các lãnh đạo Trung Quốc hãy thể hiện sự minh bạch hơn nữa
Ông phát biểu : “Trung Quốc, với số dân đông nhất thế giới, là một cường quốc đang lên của thế giới và tôi ngưỡng mộ sự phát triển kinh tế mà nước này đạt được,”
“Nước này còn có một tiềm lực khổng lồ để đóng góp vào tiến bộ của loài người và hòa bình thế giới. Nhưng để đạt được điều đó, Trung Quốc phải đạt được sự tôn trọng và tin tưởng của cộng đồng quốc tế. Để có được sự tôn trọng ấy, các lãnh đạo Trung Quốc phải nâng cao hơn nữa sự minh bạch, nâng cao hành động để tương xứng với lời họ nói. Để có được điều đó, chủ yếu phải có tự do thể hiện và tự do báo chí.”
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, người đứng đầu chính phủ lưu vong của Tây Tạng, sống tại Dharamsala kể từ khi bôn đào qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1959 chống lại sự cai trị của Trung Quốc
Ông nói ông không cần độc lập cho Tây Tạng, chỉ cần sự tự trị có đầy đủ ý nghĩa
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thường xuyên bị nhà cầm quyền Trung Quốc lăng mạ
Thời gian trước dịp kỷ niệm, cảnh sát ở thủ đô Dehli của Ấn Độ đã bắt giam hơn 30 người Tây Tạng lưu vong biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc vào hôm thứ Tư
Những người biểu tình mặc áo sơ-mi vàng và vẫy cờ Tây Tạng xanh đỏ , hô vang khẩu hiệu “Tây Tạng tự do” và “Chúng tôi muốn tự do”
Các quan chức Trung Quốc gần đây thông báo hạn chế du lịch đến Tây Tạng trước dịp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ ba các cuộc nổi dậy ở đó
Tháng Ba năm 2008, Tây Tạng chứng kiến một làn sóng người biểu tình bạo động chống Trung Quốc – tình trạng náo động tệ hại nhất ở đó trong vòng 20 năm qua
Bắc Kinh đổ lỗi bất ổn cho những người ủng hộ đức Đạt-Lai Lạt-Ma, người mà theo họ đang tìm cách tách rời Tây Tạng khỏi Trung Quốc
Trung Quốc đáp lại tình trạng bất ổn bằng biện pháp đàn áp quân sự trên phạm vi lớn
Nhiều người Tây Tạng than phiền về sự lấn át ngày càng lớn của dân số người Hán chiếm đa số của Trung Quốc ở Tây Tạng và tố cáo chính quyền đang tìm cách làm mất chất văn hóa của họ