Ước tính mới nhất của chính phủ Nhật Bản cho thấy Trung Quốc qua mặt Nhật Bản trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Các quan chức Nhật đã xác nhận con số ước tính hôm thứ hai, khi công bố tổng sản lượng nội địa quốc gia, tiêu chuẩn đo lường rộng nhất của nền kinh tế, đã thu nhỏ lại trong ba tháng cuối năm 2010.
Các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế của quốc gia này giảm 0,3% khi tiêu dùng nội địa chậm lại. Nhưng Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Kaoru Yosano cho rằng tình trạng suy thoái này chỉ là tạm thời. "Các số liệu chỉ xác nhận nền kinh tế Nhật chựng lại từ tháng 10 đến tháng 12. Nhưng hiện tại chúng tôi có thể thấy dấu hiệu vực dậy của nền kinh tế, vì doanh thu bán và sản xuất xe hơi có vẻ như đã chạm sàn," ông nói.
Mặc dù nền kinh tế Nhật cố xoay xở để đạt được mức mong đợi nhưng tỷ lệ tăng trưởng 3,9% trong năm dương lịch vẫn chưa đủ sức giúp Nhật tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai thế giới trong 40 năm qua.
Danh hiệu đó hiện giờ thuộc về Trung Quốc, với tổng sản lượng nội địa trong năm qua đạt gần 5,88 nghìn tỷ đô-la Mỹ - so với Nhật Bản là 5,47 ngàn tỷ đô-la Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế Bắc Kinh Sang Baichuang, những con số này làm cho họ có quyền nở mặt nở mày, nhưng xét về mãi lực, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thua xa người Nhật. "Nền kinh tế của chúng tôi vượt qua nền kinh tế Nhật Bản, nhưng GDP bình quân theo đầu người của chúng tôi chỉ bằng 1 phần 11 so với kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi không thể hài lòng với chỉ số tổng GDP này được. Sự thịnh vượng về kinh tế của Trung Quốc vẫn còn tương đối nhỏ hơn," Baichuang nói.
Các nhà phân tích cho biết Nhật tụt xuống vị trí thứ ba cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì dân số Trung Quốc là 1,3 tỷ người trong khi đó dân số Nhật chỉ gần 130 triệu người.
Chuyên gia kinh tế học ngân hàng Masayuki Kichikawa cho biết nền kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc lại là một tín hiệu tốt đối với Nhật Bản, vì điều đó có nghĩa là hàng hoá Nhật sẽ hút khách hơn.
"Người Nhật nên xem đây là một tín hiệu tích cực vì người Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu mua những món hàng vừa cao cấp vừa bền như là ôtô. Và có lẽ Trung Quốc sẽ trở thành thị trường béo bở cho Nhật Bản," Kichikawa nói.
Sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả nền kinh tế số một thế giới - Hoa Kỳ, quốc gia có tổng sản lượng nội địa hàng năm gấp gần ba lần Trung Quốc.