Tại sao thử nghiệm sàng lọc lại quan trọng
Việc tiến hành thử nghiệm sàng lọc hợp lý, đúng lúc là một trong những điều quan trọng hàng đầu trong việc giữ gìn sức khỏe. Thử nghiệm sàng lọc giúp tìm ra bệnh như ung thư hoặc tiểu đường sớm, trước khi xuất hiện các triệu chứng, và khi đó người ta có thể chữa lành dễ dàng hơn. Tuổi tác và các yếu tố rủi ro về sức khỏe khác của bạn sẽ quyết định bạn nên làm các xét nghiệm nào. Hãy tìm hiểu thêm về các thử nghiệm sàng lọc mà bác sĩ có thể khuyến nghị cho bạn nhé.
Ung thư vú
Việc phát hiện ung thư vú sớm có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ sống sót của bạn đấy. Đó là vì khi ung thư được phát hiện càng nhỏ thì cơ hội chữa lành bằng phẫu thuật càng nhiều. Các khối ung thư vú nhỏ hơn cũng thường ít phát tán, lây lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác như phổi và não hơn. Nếu bạn đang ở tuổi 20 hoặc 30 và chưa hề biết các yếu tố rủi ro của chứng ung thư vú thì nên khám nhũ lâm sàng ở một chuyên gia sức khỏe nào đó trong các lần khám sức khỏe định kỳ của bạn cứ ba năm một lần nhé.
Thử nghiệm sàng lọc bằng phương pháp chụp X-quang vùng nhũ
Hãy tham khảo ý kiến với bác sĩ về phương pháp thử nghiệm sàng lọc ung thư vú. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trung bình nên xét nghiệm sàng lọc hằng năm khi bắt đầu ở tuổi 40. Tuy nhiên, Đội Đặc nhiệm các Dịch vụ Ngừa bệnh Hoa Kỳ lại khuyến nghị nên chụp X quang sàng lọc khối u ở ngực cứ 2 năm một lần trong giai đoạn từ 50 đến 74 tuổi. Những tia X liều thấp này có thể phát hiện ra khối u 3 năm trước khi bạn có thể sờ thấy nó. Nhưng phương pháp chụp X quang khối u ngực bình thường không hoàn toàn loại bỏ khả năng ung thư vú.
Ung thư cổ tử cung
Cổ tử cung là một phần của tử cung nằm kéo dài xuống khoang âm đạo. Chứng nhiễm vi rút gây bệnh mụn cơm trên người (HPV) dai dẳng là yếu tố nguy hiểm chủ yếu đối với bệnh ung thư cổ tử cung. Phương pháp thử nghiệm sàng lọc định kỳ có thể phát hiện ra vi rút này sớm, khi ấy người ta có thể chữa lành một cách dễ dàng. Ngoài ra, nó còn giúp phát hiện các tế bào tiền ung thư bất thường trên bề mặt cổ tử cung vì vậy người ta có thể cắt bỏ đi trước khi chúng biến thành tế bào ung thư.
Thử nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung
Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm Pap (xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung) để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Mẫu tế bào cổ tử cung của bạn được lấy tại phòng khám và chuyển đến làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm tế bào tiền ung thư và ung thư. Phụ nữ nên làm thử nghiệm sàng lọc lần đầu tiên ở tuổi 21. Phương pháp này rất hiệu quả vừa để phòng tránh vừa để phát hiện ung thư cổ tử cung sớm để có thể điều trị kịp thời.
Vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung
FDA đã duyệt vắc-xin Gardasil ngừa ung thư cổ tử cung cho phụ nữ và bé gái ở độ tuổi từ 9 đến 26. Gardasil tạo miễn dịch kháng 4 dòng vi rút HPV, là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Vắc-xin thứ 2 là Cervarix, cũng được FDA đồng ý cho đưa vào sử dụng hồi tháng 10 năm 2009 đối với bé gái và phụ nữ ở độ tuổi từ 10 đến 25. Cervarix có thể kháng 2 dòng vi rút HPV. Không phải tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung cũng đều do HPV gây ra và các dòng HPV khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra ung thư mà không một vắc xin nào kể trên có thể kháng được. Vì vậy trong khi các vắc-xin này có thể làm giảm đáng kể các trường hợp ung thư cổ tử cung, thì việc làm xét nghiệm Pap định kỳ cũng hết sức quan trọng trong việc sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Loãng xương và xương bị gãy
Loãng xương là chứng bệnh mà trong đó xương trở nên suy yếu và dễ gãy. Nguyên nhân gây loãng xương là tình trạng hao xương (giảm khối xương), hiện tượng này xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ thời hậu mãn kinh. Triệu chứng đầu tiên thường là nứt xương gây đau đớn có thể xảy ra khi chỉ bị té, bị đánh nhẹ, hoặc thậm chí là chỉ vặn nhẹ người. Tổ chức Loãng xương Quốc gia cho biết người ta có thể vừa phòng tránh vừa chữa lành chứng loãng xương – một chứng bệnh đe doạ hơn phân nửa người lớn tuổi từ 50 trở lên ở Mỹ.
Thử nghiệm sàng lọc bệnh loãng xương
Xét nghiệm hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA) có thể đo được mật độ chất khoáng trong xương và phát hiện bệnh loãng xương trước khi nứt xương. Phương pháp này cũng có thể giúp báo trước nguy cơ nứt xương có thể xảy ra về sau. Xét nghiệm mật độ xương cũng được khuyến nghị đối với tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên, đồng thời cho phụ nữ ở tuổi trung niên dưới 65 có nguy cơ mắc chứng loãng xương.
Ung thư da
Dạng ung thư da nguy hiểm nhất là ung thư da melanoma (hắc tố/ác tính). Đây là dạng ung thư da ác tính gây ảnh hưởng đến các tế bào tạo màu trên da. Một số người có thể có nguy cơ ung thư da melanoma di truyền và nguy cơ mắc bệnh tỉ lệ thuận với tần số tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và cháy nắng. Phương pháp điều trị ung thư da sớm có thể rất hiệu quả. Các khối u ác tính được phát hiện ở giai đoạn nhẹ hơn có thể được điều trị thành công hơn so với các khối u dày đã phát triển ăn sâu vào da. Ung thư tế bào đáy và tế bào có vảy da là dạng ung thư da không hắc tố thường thấy.
Xét nghiệm sàng lọc ung thư da
Hiệp hội Ung thư và Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị nên tự kiểm tra da thường xuyên để nhằm phát hiện ra bất kỳ sự thay đổi nào trên da như hình dạng, màu da, và kích thước da. Ngoài ra cũng nên khám da ở bác sĩ da liễu hay các chuyên gia sức khoẻ khác trong những lần kiểm tra sức khỏe phát hiện ung thư định kỳ.
Cao huyết áp (Tăng huyết áp)
Nguy cơ cao huyết áp tỉ lệ thuận với tuổi tác. Nó cũng liên quan đến chỉ số cân nặng và lối sống của bạn. Bệnh cao huyết áp cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm mà không có triệu chứng báo trước, như chứng phình mạch. Nhưng bệnh này có thể chữa trị được. Khi mắc chứng bệnh này, bạn có thể giảm nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, và suy thận. Điều quan trọng là bạn nên hiểu biết về chứng cao huyết áp của mình. Nếu bạn bị cao huyết áp thì hãy tham khảo với bác sĩ, hợp tác với bác sĩ để điều trị nhé.
Xét nghiệm sàng lọc chứng cao huyết áp
Số đo huyết áp gồm 2 chữ số. Chữ số đầu tiên (tâm thu) là áp lực máu so với thành động mạch khi tim đập. Chữ số thứ hai (tâm trương) là áp suất giữa các nhịp đập. Huyết áp ở người lớn bình thường dưới 120/80. Huyết áp cao là 140/90 trở lên, và giữa hai chỉ số đó là tiền huyết áp. Tần số kiểm tra, đo huyết áp tuỳ thuộc vào số đo huyết áp của người bệnh là bao nhiêu và các yếu tố nguy hiểm khác.
Nồng độ cholesterol
Nồng độ cholesterol LDL cao là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và xơ vữa động mạch - làm hẹp và xơ cứng động mạch – gây ra do tăng sinh mảng bám bên trong động mạch. Nó có thể phát triển mà không hề bộc lộ bất kỳ triệu chứng gì trong nhiều năm. Dần dần bệnh này có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Các nguy cơ gây xơ vữa động mạch khác là cao huyết áp, tiểu đường, và thuốc lá. Việc thay đổi lối sống và thuốc có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch của bạn đấy.
Xác định nồng độ cholesterol
Bác sĩ sàng lọc vấn đề cholesterol bằng phương pháp xét nghiệm mỡ máu lúc đói. Đây là một xét nghiệm máu có thể cho bạn biết nồng độ cholesterol toàn phần của mình, cholesterol LDL “xấu”, cholesterol HDL “tốt”, và li-pít trung tính (mỡ máu). Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào tuỳ thuộc vào kết quả của bạn. Người lớn từ 20 tuổi trở lên nên xét nghiệm mỡ máu ít nhất 5 năm một lần.
Tiểu đường loại 2
1/3 người Mỹ bị tiểu đường mà không biết. Đây là nguyên nhân gây tử vong thứ 6 ở đất nước này, tiểu đường có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng như bệnh tim và đột quỵ, bệnh thận, mù mắt do tổn thương mạch máu võng, và tổn hại thần kinh. Nhưng điều này có thể tránh được, nhất là khi được phát hiện sớm, người ta có thể điều trị được tiểu đường và có thể tránh được các biến chứng bằng cách ăn kiêng, tập thể dục, và chế độ giảm cân.
Xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường loại 2
Phương pháp xét nghiệm đường glu-cô huyết tương lúc đói thường được sử dụng nhất để sàng lọc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường. Sau khi bạn nhịn ăn ít nhất 8 tiếng đồng hồ, bác sĩ sẽ lấy máu và mẫu máu này được dùng để xác định nồng độ đường huyết của bạn. Nồng độ từ 100 đến 125 cho biết dấu hiệu tiền tiểu đường, và từ 126 trở lên là đã bị tiểu đường. Nếu bạn khỏe mạnh và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bình thường thì nên làm xét nghiệm cứ 3 năm một lần khi mới bắt đầu ở tuổi 45. Nếu bạn có nguy cơ cao hơn thì có thể bắt đầu xét nghiệm sớm hơn và thường xuyên hơn.
Vi-rút HIV
HIV là vi rút gây bệnh AIDS. HIV trong máu và các dịch tiết khác của cơ thể người bệnh, thậm chí tồn tại vi rút HIV khi không có triệu chứng gì. Vi rút này phát tán, lây lan từ người này sang người khác khi những dịch tiết này tiếp xúc với âm đạo, vùng hậu môn, miệng, mắt, hoặc một vết rách trên da. Người ta vẫn chưa tìm ra vắc-xin hoặc thuốc trị bệnh AIDS. Nhưng, về mặt lý thuyết mà nói thì phương pháp điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút HIV cũng có thể giúp hệ miễn dịch cơ thể chống lại được vi rút.
Xét nghiệm sàng lọc HIV
Người bị nhiễm HIV có thể vẫn không bộc phát triệu chứng gì trong nhiều năm. Cách duy nhất để nhận biết là một loạt các xét nghiệm máu. Xét nghiệm đầu tiên có tên là ELISA hoặc EIA. Xét nghiệm này tìm kháng thể kháng HIV trong máu. Người ta có thể không bị nhiễm HIV nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính. Vì vậy phải tiến hành một xét nghiệm thứ hai để xác nhận lại, gọi là xét nghiệm kỹ thuật tách prô-tê-in. Nếu bạn mới bị nhiễm vi rút thì kết quả xét nghiệm của bạn có thể vẫn là âm tính. Bạn nên làm lại xét nghiệm nhé. Nếu bạn nghĩ mình đã tiếp xúc với vi rút HIV, thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về các xét nghiệm này nhé.
Ngăn ngừa lây lan HIV
Hầu hết các trường hợp mới nhiễm vi rút đều có kết quả dương tính sau 2 tháng lây bệnh. Nhưng có đến 5% bệnh nhân vẫn âm tính sau 6 tháng lây nhiễm. Hành vi kiêng quan hệ tình dục hoặc sử dụng màng ngăn nhựa mủ như bao cao su hoặc màng chắn nha khoa là rất cần thiết trong việc tránh lây nhiễm vi rút HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nếu bạn nhiễm vi rút HIV trong khi đang có thai thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những điều nên làm để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang cho thai nhi của bạn nhé.
Ung thư kết tràng-trực tràng
Ung thư kết tràng-trực tràng là nguyên nhân gây tử vong vì ung thư thường thấy thứ hai và là chứng ung thư thứ 3 xảy ra ở phụ nữ sau ung thư phổi và ung thư vú. Phần lớn các trường hợp ung thư đại tràng phát sinh từ pô-líp đại tràng – những khối u nằm trên bề mặt bên trong của đại tràng. Sau khi ung thư phát triển, nó có thể xâm nhập hoặc lây lan, phát tán sang các bộ phận khác của cơ thể. Phương pháp phòng tránh ung thư đại tràng là dò tìm, phát hiện ra và cắt bỏ pô-líp đại tràng trước khi các pô-líp này biến thành ung thư.
Thử nghiệm sàng lọc ung thư đại tràng-kết tràng
Soi kết tràng là thử nghiệm sàng lọc thường thấy đối với chứng ung thư kết tràng-trực tràng. Bác sĩ sử dụng một máy ảnh và ống mềm để quan sát tổng thể đại tràng, đồng thời có thể cắt bỏ pô-líp ngay lúc làm xét nghiệm. Người ta cũng có thể thay thế bằng một thủ thuật tương tự đó là phép soi đại tràng sigma ống mềm chỉ khám và kiểm tra phần dưới của đại tràng. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh trung bình thì thường nên làm xét nghiệm lúc mới bắt đầu ở tuổi 50.
Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là chứng bệnh có thể dẫn đến mù mắt vì tổn hại dây thần kinh thị giác. Tăng nhãn áp góc mở nguyên phát (Tăng nhãn áp góc mở tiên khởi) là loại thường thấy nhất. Chứng tăng nhãn áp này thường không biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi quá muộn và đã bắt đầu mất thị giác, không còn nhìn rõ nữa. Có một bằng chứng đáng tin cậy là việc điều trị áp suất mắt tăng trong bệnh tăng nhãn áp có thể phòng tránh được chứng mù mắt.
Sàng lọc bệnh tăng nhãn áp
Bạn nên khám mắt gồm cả đo áp suất mắt bao lâu một lần tuỳ thuộc vào yếu tố tuổi tác và các nguy cơ rủi ro khác của bạn. Người Mỹ gốc Phi, người già trên 60 tuổi, người có tiền sử gia đình bị tăng nhãn áp, người có tiền sử bị chấn thương mắt, và người sử dụng steroid có nguy cơ mắc bệnh cao. Người dưới 40 tuổi khỏe mạnh, không có nguy cơ cao thì nên làm xét nghiệm định kỳ cứ 2 đến 4 năm một lần. Ở độ tuổi từ 40 đến 54, phụ nữ nên làm xét nghiệm cứ 1 đến 3 năm một lần và từ 55 đến 64 cứ 1 đến 2 năm một lần, và người già trên 65 tuổi cứ 6 đến 12 tháng một lần.
Tầm quan trọng của xét nghiệm sàng lọc sức khỏe
Việc chủ động làm xét nghiệm và tham khảo ý kiến bác sĩ về các xét nghiệm có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe mình được tốt hơn. Một số xét nghiệm, như xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) hoặc khám nhũ nên được thực hiện định kỳ trong chương trình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Các xét nghiệm khác là quan trọng hơn hoặc kém quan trọng hơn tuỳ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh của bạn. Phương pháp xét nghiệm sàng lọc đúng đắn không phải lúc nào cũng có tác dụng phòng tránh được bệnh tật, nhưng nó có thể phát hiện ra bệnh sớm kịp thời cho bạn có thể điều trị và vượt quan một cách tốt nhất.