Hàng năm, tổ chức UNICEF ở Đức trao "Giải thưởng Bức ảnh của năm 2010 của UNICEF” cho những tấm ảnh hay bộ ảnh độc đáo mô tả sống động nhất tính cách và điều kiện sống của trẻ em khắp nơi trên thế giới.
"Những bức ảnh chất lượng cao phải thể hiện hai thứ: vẻ đẹp và những đối tượng thật sự có ý nghĩa. Mục đích của giải thưởng này là giúp chúng ta nâng cao nhận thức về nỗi đau khổ cũng như những hi vọng và mơ ước của trẻ em", nói tiến sĩ Jürgen Heraeus, chủ tịch của tổ chức UNICEF ở Đức nhận xét. "Những hình ảnh có thể chuyển tải đến chúng ta nhiều hơn là ngôn từ về những nơi chốn mà trẻ em phải chịu thiệt thòi, bị ruồng bỏ hay bị lợi dụng. Những hình ảnh này còn thể hiện cách thức duy nhất mà trẻ em trải nghiệm thế giới này, qua những giọt nước mắt, niềm vui và cả thách thức. Không cần phải bày vẽ gì thêm, những tấm ảnh này cho ta biết nguyên nhân và cách mà chúng ta phải nghĩ đến những đứa trẻ này."
Những nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới tham gia cuộc thi. Họ đã dẫn chứng những điều kiện sống của trẻ em đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, thiếu thốn vật chất và tình cảm sau thiên tai và cả những giây phút hạnh phúc và vui sướng trong cuộc sống.
Giải nhất – Việt Nam: Tàn dư chiến tranh
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt vào năm 1975. Hoa Kỳ rút quân và hai miền nam bắc Việt Nam thống nhất đất nước. Nhưng với người Việt Nam tàn dư của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn còn tồn tại. Quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc màu da cam có tác dụng diệt cỏ để huỷ hoại tán lá rậm rạp nơi người Bắc Việt Nam trú ẩn bên dưới. Chất độc màu da cam chứa dioxin được biết đến là có tác dụng gây ung thư và gây hại đến gien di truyền. Cho đến ngày nay, người Việt Nam vẫn còn phải chịu những ảnh hưởng của chất độc này như bệnh ung thư, rối loạn miễn dịch và biến dạng nghiêm trọng. Theo ước tính chính thức, có 1,2 triệu trẻ em bị tàn tật, trong đó có cô bé Nguyễn Thị Ly 9 tuổi. Ở vùng nông thôn, tỷ lệ trẻ em khuyết tật cao hơn nhiều so với trẻ em sống ở thành phố.
Giải nhì 2010 Majid Saeedi | Getty Images
Quá khứ của Afghanistan: Cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1978, cuộc nội chiến bùng nổ. Hậu quả: người tị nạn.
Quân Liên Xô rút quân vào năm 1989, Mujahideen thâu tóm Kabul. Bùng nổ thêm một cuộc nội chiến khác. Hậu quả: người tị nạn.
Sự lật đổ chế độ Taliban sau sự kiện ngày 11/9 bởi liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu. Những cuộc nội chiến đẫm máu. Hậu quả: người tị nạn.
Tương lai của Afghanistan: mặc dù không có gì là chắc chắn nhưng có khoảng 4 triệu người tị nạn đã trở về từ Pakistan và Iran và hiện đang cố ổn định lại trên quê hương của họ.
Trong số những người dân tị nạn là gia đình của cậu bé Akram 8 tuổi. Họ tìm kiếm nơi ẩn náu ở thành phố Peshawar của Pakistan. Mặc dù vẫn còn là một cậu bé con, Akram đã cố kiếm chút tiền bằng cách lượm lặt đồ phế thải trong bãi rác ở Peshawar. Trong một lần lục lọi rác, cậu bé vô tình chạm phải vào một dây cáp không cách điện. Cả cánh tay của cậu phải bị cắt bỏ vì bỏng nặng. Trong lúc đó, gia đình của Akram trở lại Kabul nơi cậu bé được lắp một cánh tay giả nhờ sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ quốc tế. Nhìn vào bức ảnh chụp bởi Majid Saeedi, một nhiếp ảnh gia người Iran, chúng ta vô cùng ngạc nhiên trước cách bọn trẻ chơi với nhau thật tự nhiên và thể hiện lòng thương cảm với nhau. Majid Saeedi cũng đã chộp được khoảnh khắc đùa giỡn của những đứa trẻ khoẻ mạnh khi cầm ‘cái bộ phận cơ thể thừa thải’ này. Tuy nhiên chỉ khi lớn lên người ta mới bắt đầu kinh hoàng khi nhận thức được mình là một con người tàn tật suốt cuộc đời. Và nhận thức này thật tàn nhẫn vì không có gì có thể thay đổi được nữa.
Giải ba 2010 GMB Akash | Panos Pictures
Bangladesh: Cái nghề nghiệp cổ xưa nhất trên thế giới phá huỷ cuộc đời của những bé gái
Không có dữ liệu chính xác về số lượng mại dâm trẻ em trên toàn cầu. Theo ước tính của UNICEF, khoảng 1,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên toàn cầu bị lạm dụng qua con đường mại dâm.
G.M.B. Akash, một nhiếp ảnh gia ở Bangladesh, đã mô tả hoàn cảnh của những đứa trẻ mại dâm này, một vài người trong số đó còn rất nhỏ. Anh ấy còn cảm thấy choáng váng hơn bao giờ hết về hoàn cảnh vô vọng của những thiếu nữ này trong nhà chứa vùng Faridpur khi nghe thấy những gì họ phải làm để cơ thể của họ trở nên già dặn đi và hấp dẫn hơn. Đều đặn mỗi ngày trong nhiều năm qua, họ phải uống steroid để ‘đầy đặn lên’. Đó cũng là thứ thuốc mà nhiều quốc gia như Bangladesh dùng để vỗ béo gia súc. Nó vốn được chỉ định cho các bệnh nhân mắc các chứng viêm khớp, suyễn hay dị ứng.
Yasmin 20 tuổi với khuôn mặt sưng phù lên vì steroid. Cô đã sống trong nhà chứa này kể từ khi còn là một đứa bé - cũng giống như mẹ của cô, người đã làm công việc ở đây như một gái điếm trong 30 năm qua.