Các quan chức châu Âu đang cho Hy Lạp thêm thời gian để hoàn trả khoản vay 110 tỷ đô la, thậm chí khi mà họ ngày càng lo lắng có thể không đủ tiền có sẵn để cứu nguy cho các quốc gia khác gặp khó khăn về tài chính. Liên minh Châu Âu nhấn mạnh quỹ cứu nguy về tài chính gần một nghìn tỷ đô la mà họ cùng Quỹ tiền tệ quốc tế lập ra thì dư sức lo chuyện này, nhưng họ cũng thừa nhận rằng các cuộc kiểm tra khả năng chi trả ban đầu để xác định xem các ngân hàng lớn nhất châu Âu đủ sức giải quyết tình trạng khủng hoảng hay không thật ra là vẫn chưa xác đáng. Trong khi đó, người đứng đầu IMF tự tin bày tỏ rằng tình hình tồi tệ nhất rồi cũng sẽ qua, nhưng ông vẫn kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm ra các giải pháp mới.
Ngay khi các quan chức châu Âu tìm cách làm dịu thị trường tài chính thì những người phản đối ở Ai-len lại tố cáo về mức thuế cao hơn trong ngân sách mới hà khắc của chính phủ.
Ở Hy Lạp, những người về hưu than phiền là các biện pháp hà khắc đã đẩy nhiều người trong số họ lâm vào nghèo khổ.
Nhiều người châu Âu lo ngại rằng các quốc gia khác mắc nợ nhiều có thể là quốc gia tiếp theo xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, Ollie Rehn, quan chức hàng đầu về tiền tệ của EU vẫn tự tin. Ông nói rằng châu Âu có các công cụ cần thiết để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai - miễn là các quốc gia mắc nợ nhiều tiếp tục áp dụng các biện pháp hà khắc riêng của họ.
"Tình hình đang hồi phục và có tiến triển, nhưng đồng thời chúng ta cần kiềm hãm ảnh hưởng lan rộng về tài chính sao cho chúng không lan toả khắp châu Âu, " Rehn nói.
EU không chấp nhận yêu cầu về nguồn quỹ bổ sung, nhưng họ sẽ yêu cầu một đợt kiểm tra khả năng chi trả nữa để đảm bảo các ngân hàng châu Âu đang hoạt động tốt. Về phần mình, Quỹ tiền tệ quốc tế muốn các nhà lãnh đạo châu Âu triển khai biện pháp mới một cách mạnh dạn.
"Châu Âu và khu vực sử dụng đồng ơ-rô phải đưa ra một giải pháp toàn diện cho vấn đề này," Strauss-Kahn nói." Cách giải quyết xong nước này rồi mới đến nước kia đâu phải là hay."
Strauss - Kahn gặp George Papandreou Thủ tướng Hy Lạp hôm thứ ba để thảo luận về việc kéo dài thời hạn trả nợ của Hy Lạp. Ông nói tình hình ở châu Âu còn nghiêm trọng, nhưng ông vẫn tin vào Hy Lạp và tương lai của khu vực 16 quốc gia sử dụng đồng ơ-rô.
"Vẫn còn nhiều điều để làm," ông nói. "Và những điều trước mắt có thể thậm chí còn quan trọng hơn những điều đã làm được."
Hôm thứ ba, thị trường trái phiếu châu Âu tiếp tục căng thẳng sau khi các nhà lãnh đạo EU chống lại yêu cầu tăng quy mô của cơ chế cứu nguy tài chính của châu Âu.
Các nhà đầu tư lo rằng nguồn quỹ sẽ không đủ để cứu nguy cho các nền kinh tế lớn hơn của châu Âu chẳng hạn như là Tây Ban Nha.