Không có kế hoạch chi tiêu
Câu hỏi "đồng tiền đi đâu?" thường xuyên được đặt ra vì việc chi tiêu diễn ra hàng ngày, mà lại không có bất cứ kế hoạch nào để quản lý những nhu cầu và đòi hỏi ấy. Đây là chương trình quản lý tiền bạc có thể giúp bạn chi tiêu tiền của mình một cách khôn ngoan, và đạt được những mục tiêu mong muốn.
Trước hết, sắp xếp các ưu tiên: biết các chi phí thường xuyên; xác định các mục tiêu của bạn là gì so với các đích trong ngắn hạn và dài hạn. Hãy xem xét tỉ mỉ những chi phí và loại bỏ những khoản không mang lại sự thoả mãn thật sự.
Không để dành tiền
Các chuyên gia tài chính khuyến nghị rằng mỗi gia đình nên để dành tiền ít nhất là phân nửa số thu nhập hàng năm của mình. Làm được điều này, tức là phát triển những thói quen tiết kiệm tốt và sự tự chủ trong chi tiêu. Có một nhu cầu rõ ràng để tiết kiệm nên bạn có tiền dự phòng khi phát sinh những chi phí ngoài dự kiến.
Biết mình có một giới hạn an toàn về tiền tiết kiệm còn mang lại cho bạn cảm giác an tâm và tâm hồn thanh thản hơn. Và đừng quên là một tài khoản tiết kiệm sẽ làm tăng mức tin cậy trong việc thanh toán nợ nần.
Sử dụng quá nhiều tiền vay mượn
Vay mượn tiền có thể là một trợ giúp thực sự hay là một nguy cơ tiềm ẩn, phụ thuộc vào cách bạn sử dụng đồng tiền vay mượn đó. Vấn đề lớn nhất thường là các gia đình vung tay quá trán và mắc số nợ lớn hơn khả năng chi trả.
Những điều kiện tín dụng khác nhau, cũng vậy. Hãy cẩn thận khi mua tín dụng - thận trọng như mua hàng hoá hay dịch vụ. Hãy đảm bảo những khoản tiền trả góp định kỳ vừa vặn với túi tiền của bạn và đừng cam kết nhiều hơn khả năng thanh toán của mình. Hãy nắm rõ chi phí của các điều kiện tín dụng. Chi phí thực sự. Hãy để ý phí tổn của các tài khoản mua chịu hoặc thẻ tín dụng, để bạn không quá bất ngờ khi nhận những hoá đơn đề nghị thanh toán. Và hãy thanh toán đúng thời hạn để có mức tín nhiệm cao.
Sử dụng không có tính toán những vận may bất ngờ
Bạn nhận được một khoản hoàn thuế, một món tiền thưởng hay tiền tăng lương, hoặc có thể là tài sản thừa kế. Hầu hết các gia đình có khuynh hướng chi số tiền đột xuất ấy vào những thứ xa xỉ mà họ thường không cân nhắc. Và bỗng chốc, tiền tiêu hết sạch.
Có nhiều cách sử dụng hiệu quả "của trời cho". Gộp số tiền tăng lương ấy vào khoản tiết kiệm của bạn trước khi nhiễm thói quen tiêu xài tiền kiếm thêm. Dùng tiền thưởng hay tiền được hoàn lại cho những khoản mua lớn cần thiết, chẳng hạn như những vật dụng quan trọng. Bạn còn phải tiết kiệm để trả phí tài chính nữa.
Không có tiền dự phòng cho những khoản chi lớn
Tất cả chúng ta đều có những khoản phải trả lớn, có thể dự trù mà sẽ đáo hạn vào những thời điểm không theo định kỳ trong năm. Một phiếu báo nộp thuế hay khoản phí bảo hiểm lớn, bị bỏ quên có thể gây ra sự bối rối về tài chính nếu bạn không chú ý dành dụm tiền đầy đủ.
Lấy tất cả các khoản lớn và chia tổng số cho 12. Đáp số 1/12 này phải được để dành tiền mỗi tháng dựa theo thời gian những hoá đơn yêu cầu thanh toán kia sẽ đến hạn.
Đánh giá không đúng mức chi phí mua tài sản
Chi phí ban đầu đôi khi không phải là chi phí duy nhất mua tài sản. Điều này đúng nhất trong trường hợp mua xe hơi. Đa số các chi phí là rõ ràng nhưng một số bị bỏ sót cho đến khi chúng ta phát hiện ra, khi phải đối diện một cách trực tiếp. Nếu một chiếc xe được mua trên cơ sở trả góp, thì số tiền phải trả hàng tháng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ chi phí sử dụng nó. Hãy tính tất cả các chi phí. Chi phí vận hành là: xăng dầu, sửa chữa, bảo trì, vỏ ruột, bảo hiểm. Những chi phí khác bao gồm phí đăng ký, giấy phép, tiền gửi xe, phí giao thông, v.v. Ngoài ra, một chiếc xe mới giá 11 000 đô la mất giá trị khoảng 2500 đô la trong năm đầu tiên. Trong khi khoản khấu hao không phải là chi phí thực tế phát sinh, chi phí khấu hao ấy xảy ra khi chiếc xe được trao đổi với một chiếc khác.
Tiêu vặt nhiều mà không để ý
Mua sắm tùy tiện - phung phí những đồng tiền lẻ khắp nơi cho những thứ "lẻ tẻ" - có thể cộng lại cho ra một con số lớn đến bất ngờ. Hãy ghi lại từng đồng bạn tiêu trong một tuần và xem xét kỹ lại việc tiêu "vặt" bất cẩn của bạn. Sau đó hãy hạn chế những chỗ dễ gây ra thiệt hại này.
Tránh mua sắm tạp hoá khi bạn đói. Bạn sẽ mua nhiều hơn những món bánh kẹo trông bắt mắt mà có thể làm hoá đơn bạn phải thanh toán thêm chồng chất lên.
Tránh "giết thời gian" trong các siêu thị. (Chắc chắn bạn sẽ ra về với cái gì đó mà vốn không có ý định mua nó.) Sử dụng tiền trợ cấp và tiêu dùng trong phạm vi đó. Khi bạn có thể cưỡng lại được sự cám dỗ tiêu xài những đồng bạc "lẻ", thì bạn sẽ có nhiều tiền hơn để mua những thứ bạn thật sự muốn.
Thói quen mua sắm vô tội vạ
Luôn có những tác động khiến chúng ta mua hàng. Cái chúng ta muốn nhiều hơn thứ chúng ta cần. Và những nhà quảng cáo cố gắng làm tăng tác động này. Khiến chúng ta mua những thứ thật sự không cần thiết và mua mà không so sánh chất lượng và giá cả.
Trước khi bạn mua, hãy biết rõ tên tuổi của người bán và cửa hiệu đó. Hãy xem các nhãn mác, hiểu rõ các cam kết và bảo hành. Tránh những chiêu thức tác động của người bán hàng.
Không tích tiểu thành đại
Đừng nản lòng nếu số tiền bạn có thể dành dụm được có vẻ quá nhỏ bé. Hãy tin tưởng rằng con kiến tha lâu cũng đầy tổ. 10 đô la để dành mỗi tuần sẽ là hơn 1000 đô la trong vòng chưa đầy 2 năm. Có quá lâu chăng? Nó diễn ra nhanh hơn bạn nghĩ. Hãy nhớ lại 2 năm vừa qua trôi đi nhanh thế nào.
Thái độ không thể chờ đợi
Lỗi quản lý tiền bạc này nặng nhất là ở giới trẻ. Và là nguyên nhân của nhiều bất hạnh. Họ thường muốn bắt đầu tại mức mà cha mẹ mình mất 25 năm mới đạt được.
"Giấc mơ Mỹ vĩ đại", như miêu tả của điện ảnh, truyền hình và các tạp chí, là vượt xa khả năng tài chính của các gia đình và không bao giờ đạt được bằng việc lạm dụng tín dụng.
Điều cần thiết là có thêm nhiều cách "để dành bây giờ và mua sắm mai sau”. Và, một kế hoạch quản lý đồng tiền giúp chúng ta có được những thứ mình muốn càng sớm càng tốt.