The Straits Times (Singapore)
Ngày 14 tháng tám năm 2009 thứ Sáu
William Choong, trưởng ban biên tập
Vào đầu thập niên 90, khi Washington bàn về các biện pháp lôi kéo hoặc ngăn cản Trung Quốc, có vài kẻ hóm hỉnh lanh trí đã đề nghị một cụm từ ghép là “vừa lôi vừa chận” . Sau đó, cựu tổng thống George W Bush gợi ý Trung Quốc là một đối thủ chiến lược''. Bây giờ thì không còn ai tranh cãi về khái niệm Trung Quốc và Hoa Kỳ là đối tác chiến lược nữa.
Cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh về Kinh tế và Chiến lược vừa mới kết thúc sẽ được người dân châu Á nhiệt liệt hoan nghênh. Cuộc đối thoại này - từ chỗ đối thoại đơn thuần về kinh tế đã tiến tới bao luôn cả những vấn đề về chiến lược – chứng tỏ hai nước đang tự ràng buộc mình vào một cơ cấu chính thức để cùng quan tâm đến hàng loạt vấn đề.
Nhìn chung, quan hệ giữa chính phủ hai nước đòi hỏi đến 60 cuộc đối thoại song phương. Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đồng thuận với nhau về nhiều vấn đề như như chống khủng bố, quản lý chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và triển khai chống cướp biển trong vịnh Aden.
Chẳng có gì lạ khi, một số nhà bình luận đã bắt đầu xem xét việc Hoa Kỳ và Trung Quốc liên kết với nhau thành G-2 - hoặc ''Chimerica’, như nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Niall Ferguson đã gọi là tập đoàn lưỡng đầu chế. Tiến sĩ Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, biện luận rằng G-2 có thể góp phần giải quyết một số thách thức, từ nạn khủng hoảng tài chính toàn cầu cho đến việc triển khai vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Những lý lẽ như thế chưa hẳn đã có sức thuyết phục. Quan niệm của Lord Palmerston – các quốc gia không hề có bạn bè muôn đời, mà chỉ có lợi ích đời đời – xem ra vẫn có lý.
Hiện nay, vấn đề nan giải trong quan hệ Trung-Mỹ không hẳn là về chiến lược mà là về kinh tế: Hoa Kỳ là con nợ lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc lại là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Christopher Clarke, người từng là một nhà ngoại giao, đã gợi ý rằng quan hệ cộng sinh tài chính Hoa-Mỹ chẳng khác nào ‘cố bám víu nhau mà chẳng bên nào dám nhích tới vì sợ cả hai cùng vuột khỏi vách đá'.
Washington – xưa nay vốn hay nặng lời chỉ trích Trung Quốc về thành tích nhân quyền – thì mấy năm gần đây bỗng dịu giọng lại. Khi được hỏi bà có ý định dấy lên vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh đầu tiên hồi đầu năm nay hay không, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng Hoa Kỳ còn nhiều chuyện lớn hơn cần phải giải quyết, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính toàn cầu và thay đổi khí hậu.
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Hoa Kỳ đang cầu cạnh để vay tiền, nên không thể trả treo gay gắt với nhà cái của mình ở Bắc Kinh.
Nếu tập đoàn lưỡng đầu chế Mỹ-Trung trỗi dậy, như vậy khắp vùng này sẽ phải báo động, nhất là ở các nước đồng minh lâu đời của Washington như Nhật Bản, Úc và Nam Triều Tiên.
Trong thập niên qua, người ta thường cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách phá hoại các quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á. Nhưng như ông Dennis Wilder, cựu vụ trưởng Vụ Đông Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đã chỉ ra, có thể ngược lại là đằng khác.
Ông ấy viết: 'Có thể mục tiêu thực tế hơn nữa của Trung Quốc là lập liên minh với Hoa Kỳ, trong đó các đồng minh châu Á của chúng tôi, chẳng hạn như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc, Thái Lan và Philippines, bị liệt vào địa vị thấp hơn, rồi Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cùng nhau ăn trên ngồi trước ở châu Á - ít nhất cũng được một thời gian.'
Quốc gia đầu tiên có thể thiệt thòi vì chuyện này sẽ là Nhật Bản, vì nước này suốt mấy chục năm đã bỏ tiền ra chơi với Mỹ để ngăn ngừa mọi mối đe doạ từ bên ngoài. Nếu G-2 trỗi dậy thật, chưa biết chừng Nhật Bản sẽ nuốt lời cam kết trước đây là không bao giờ có vũ khí hạt nhân.
Tập đoàn lưỡng đầu chế G-2 cũng sẽ gây lo lắng cho những quốc gia châu Á nào từng đòi quyền sở hữu đối với những lãnh thổ tranh chấp ở Nam Hải. Gần đây Trung Quốc có chỉ trích các yêu cầu của Malaysia và Việt Nam về đáy biển và tài nguyên dưới lòng đất đang trong vòng tranh chấp ở vùng biển quan trọng đó.
Không ai có thể tưởng tượng hết những diễn biến tiếp theo nếu tình hình an ninh ở Nam Hải xấu đi và Hoa Kỳ sẽ quay mặt đi khi Trung Quốc tính đến việc dùng vũ lực đè bẹp các đối thủ đang tranh chấp.
Lạc quan mà nói, chưa chắc G-2 sẽ trỗi dậy sớm được. Chẳng qua là vì Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang tiến thoái lưỡng nan về vấn đề an ninh, bởi bên này vẫn còn nghi ngờ động cơ đằng sau lập trường quân sự của bên kia ở Châu Á-Thái Bình Dương. Viết trong bản tin Ngoại giao tháng sáu, cô Elizabeth Economy và tiến sĩ Adam Segal thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại biện luận rằng hố ngăn cách giữa hai nước về quyền lợi, giá trị và khả năng sẽ không cho phép họ tiến đến một tập đoàn lưỡng đầu chế hùng mạnh.
Phát biểu với The Straits Times gần đây, đô đốc Timothy Keating, người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, có vẻ đồng tình như vậy. Tuy cho rằng mình phấn chấn vì tính thẳng thắn trong quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ gần đây, nhưng ông vẫn không ủng hộ ý tưởng G-2.
'Khái niệm G-2 đang phát triển ... là không đúng,' ông đã nói như vậy. 'Chúng tôi quan tâm hơn nữa đến nỗ lực cộng tác đa phương, bao gồm tất cả bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chứ không chỉ có quan hệ Mỹ-Trung mà thôi.'
Điều này nghe có vẻ như trấn an nhiều quốc gia ở châu Á. Cái nhìn của họ về quan hệ Mỹ-Trung rồi cũng sẽ theo nguyên tắc Goldilocks: không quá lạnh nhạt, không quá nồng nhiệt, chỉ cần ấm áp mà thôi.