Hãy nắm vững 7 điều cốt yếu này – tránh những cạm bẫy nguy hiểm làm phá sản doanh nghiệp – và hãy thận trọng về sự phát triển của doanh nghiệp bạn.
Kinh doanh là một nghệ thuật đồng thời là một khoa học. Là câu chuyện về kinh nghiệm thực tế, tính quyết đoán, khả năng nhìn xa trông rộng và sự may rủi. Để thành công trong kinh doanh, bạn phải nắm vững những kiến thức cơ bản về thành công trong kinh doanh.
May mắn là, tất cả các kỹ năng kinh doanh chúng ta đều có thể học được. Bạn có thể học bất cứ điều gì mình cần để biết, để đạt được các mục tiêu của mình. Không có giới hạn nào – trừ những giới hạn bạn tự tưởng tượng ra.
Có 3 lý do chính vì sao các doanh nghiệp phá sản: thiếu tiền, thiếu kiến thức và thiếu sự hỗ trợ. Bằng cách nắm vững những kiến thức căn bản về thành công trong kinh doanh, bạn sẽ có được kiến thức cần thiết để nhận được sự hỗ trợ và kiếm được số tiền bạn cần cho doanh nghiệp mình.
Vậy những yếu tố cần thiết để thành công trong kinh doanh là gì? Có 7 yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của doanh nghiệp bạn:
1. Tiếp thị: Khả năng xác định và bán đúng loại sản phẩm cho đúng đối tượng khách hàng ngay đúng thời điểm thích hợp
2. Tài chính: Khả năng kiếm được số tiền bạn cần, và giải thích về khoản tiền bạn thu
3. Sản xuất: Khả năng sản xuất những sản phẩm và cung cấp những dịch vụ chất lượng cao và luôn ổn định theo thời gian
4. Phân phối: Khả năng mang sản phẩm hoặc dịch vụ thâm nhập vào thị trường kịp thời và hiệu quả
5. Nghiên cứu và phát triển: Khả năng đổi mới liên tục và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, quy trình, và những phản ứng mới so với đối thủ cạnh tranh
6. Pháp luật: Khả năng giải quyết các yêu cầu của pháp luật nhà nước ở mọi cấp
7. Lao động: Khả năng tuyển những người bạn cần, giải quyết các vấn đề công đoàn, xây dựng các chính sách về nhân sự, phát triển tổ chức và đào tạo
Và từ bản liệt kê này, tiếp theo sẽ là những lý do rất cụ thể, có thể nhận biết được cho thành công trong kinh doanh
Có sản phẩm hoặc dịch vụ rất phù hợp với những nhu cầu và đòi hỏi của thị trường hiện nay
Phát triển một kế hoạch kinh doanh đầy đủ trước khi bắt đầu các hoạt động kinh doanh
Thực hiện phân tích thị trường kỹ lưỡng trước khi sản xuất một sản phẩm hay cung cấp một dịch vụ
Phát triển toàn diện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi và bán hàng
Thiết lập hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ, dự toán ngân quỹ tốt, các phương pháp kế toán và lưu giữ sổ sách chính xác, tất cả được xây dựng trên tinh thần tiết kiệm
Đảm bảo có một mức độ năng lực, khả năng và sự trung thực cao của những nhân viên chủ chốt.
Có bản mô tả công việc rõ ràng, quản lý thời gian, năng suất nội bộ tốt, cùng với tinh thần trách nhiệm và sản phẩm đầu ra dễ thấy và có thể đo lường được
Phát triển thông tin liên lạc hiệu quả giữa nhân viên và một chính sách cởi mở đối với các giám đốc, nhất là chủ doanh nghiệp
Tạo ra động lực mạnh mẽ trong bộ phận kinh doanh và nhấn mạnh thường xuyên tầm quan trọng của việc tiếp thị sản phẩm hay dịch vụ của bạn
Quan tâm đến khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu
Đặt sự quyết tâm, kiên trì và nhẫn nại đứng đầu cẩm nang dành cho chủ doanh nghiệp
Và đến đây bạn đã nắm được 7 nội dung cơ bản để thành công trong kinh doanh và những yếu tố có thể nhận biết liên quan đến việc giúp doanh nghiệp bạn thành công, tôi xin chia sẻ những nguyên do hàng đầu của việc làm ăn thua lỗ. Hàng ngàn công ty được nghiên cứu để xác định nguyên nhân các doanh nghiệp phá sản. Dưới đây là những nguyên nhân, được sắp xếp theo tầm quan trọng của chúng:
Thiếu phương hướng. Các chủ doanh nghiệp thường không xây dựng những mục tiêu rõ ràng và lập những kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó, đặc biệt là trước khi khởi nghiệp, họ không phát triển một kế hoạch kinh doanh đầy đủ trước khi khai trương công ty của mình.
Thiếu kiên nhẫn. Điều này xảy ra khi chủ doanh nghiệp cố đạt được thật nhiều mục tiêu trong thời gian quá ngắn ngủi, hoặc kỳ vọng gặt hái những kết quả thuận lợi sớm hơn thực tế có thể. Một quy tắc đáng nhớ là mọi thứ đều tốn kém gấp đôi và lâu hơn gấp ba lần so với kỳ vọng.
Tham lam. Khi các chủ doanh nghiệp cố gắng tính phí cao để kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn, thì sự thất bại đang đến rất gần.
Hành động mà không suy nghĩ thấu đáo trước. Chủ doanh nghiệp hành động quyết liệt và mắc sai lầm gây tốn kém, những sai lầm rốt cuộc cũng khiến doanh nghiệp phá sản.
Kiểm soát chi phí kém. Chủ doanh nghiệp chi tiêu quá nhiều, đặc biệt là khi mới thành lập doanh nghiệp, và sử dụng hết tiền vốn ban đầu của mình trước khi có lãi.
Chất lượng sản phẩm kém. Điều này làm bán hàng khó và khó có được khách hàng quen.
Vốn lưu động thiếu. Chủ doanh nghiệp mong muốn - và cần đến - lượng tiền mặt sẵn có, ngay lập tức mà không có, dẫn đến phá sản doanh nghiệp.
Quá trình dự thảo ngân sách kém hoặc không tồn tại. Chủ doanh nghiệp không phát triển các loại ngân sách được dự thảo cho các hoạt động doanh nghiệp bao gồm mọi chi phí có thể.
Hồ sơ tài chính không đầy đủ. Chủ doanh nghiệp không xây dựng một hệ thống kế toán hay ghi chép sổ sách ngay từ khi mới bắt đầu.
Mất động lực trong bộ phận kinh doanh. Điều này dẫn đến sự sụt giảm luồng tiền mặt và sự sụp đổ của doanh nghiệp diễn ra bất cứ khi nào.
Không thấy trước được các xu hướng của thị trường. Chủ doanh nghiệp không nhận ra những thay đổi về cầu, các thị hiếu của khách hàng hoặc tình hình kinh tế.
Thiếu kinh nghiệm hay khả năng quản lý. Chủ doanh nghiệp không nắm bắt rõ các kỹ năng quan trọng dùng để quản lý doanh nghiệp.
Không quyết đoán. Chủ doanh nghiệp không thể đưa ra các quyết định quan trọng khi đối mặt với những khó khăn, hoặc các quyết định bị trì hoãn hay quyết định không chính xác vì bận tâm đến những ý kiến hoặc tình cảm của những người khác.
Quan hệ con người không tốt. Các vấn đề cá nhân và mâu thuẫn với nhân viên, các nhà cung cấp, chủ nợ và khách hàng có thể dễ dàng dẫn tới phá sản doanh nghiệp.
Phân tán sức lực. Chủ doanh nghiệp cố gắng làm quá nhiều thứ, vì vậy không đặt ưu tiên và tập trung vào những công việc mang lại giá trị cao.
Thành công trong kinh doanh không phải là một điều bí ẩn đang chờ để được làm sáng tỏ. Nếu bạn chỉ cần tránh những nguyên nhân làm phá sản doanh nghiệp và luôn tập trung vào việc phát triển những điểm làm nên thành công của doanh nghiệp, thì đó là một mục tiêu có thể đạt được.