15 October 2010 Last updated at 02:14 GMT
Ba trong số 33 người được cứu sau 69 ngày mắc kẹt dưới mỏ San Jose ở Chi-lê vừa được xuất viện và được phép về nhà.
Ba người, chưa được chính thức nhận diện, đã lên một chiếc xe hơi màu trắng giữa vòng vây an ninh thắt chặt.
Các bác sỹ cho biết toàn bộ các thợ mỏ đã đáp ứng tốt với việc điều trị và sẽ có thêm nhiều người trong số họ được về nhà vào thứ Sáu.
Trước đó Tổng thống Sebastian Pinera đã đến thăm họ và hứa sẽ dẹp bỏ những điều kiện lao động “phi nhân đạo” ở Chi-lê.
Tiến sĩ Jorge Montes, phó giám đốc y tế của Bệnh viện Copiago cho biết ba người xuất viện ấy được phép tham gia hoạt động mạnh về thể chất và chỉ cần đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh sáng cường độ mạnh.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “tình trạng tâm lý của bệnh nhân là điều không thể tiên liệu”.
Cuộc giải cứu gây xúc động sâu sắc
Các thợ mỏ được thông báo họ cần được giữ lại bệnh viện trong 48 tiếng nhưng Bộ trưởng Y Tế Jaime Manalich thông báo trước đó rằng tình trạng sức khỏe của họ tốt đến mức họ có thể ra về trong vòng 24 tiếng. Ông nói tình trạng sức khỏe của họ thật là kỳ diệu.
Một vài người trong số họ được phẫu thuật nha khoa và hai người bị bệnh phổi do hít bụi xi-lích : Mario Sepulveda, người thợ mỏ thứ hai được cứu, và Mario Gomez, 63 tuổi, đang được điều trị bệnh phổi bằng kháng sinh
Các thợ mỏ được kéo lên mặt đất mỗi lần một người trong một chiến dịch phức tạp và gây xúc động sâu sắc kéo dài 22 tiếng kể từ khi người đầu tiên đến mặt đất
Họ được kéo bằng tời lên đường hầm thông hẹp trong chiếc lồng kim loại từ điểm mắc kẹt cách mặt đất 625 m (2.050 feet) kể từ khi hầm mỏ bị sụp một phần vào ngày 5 tháng 8.
Richard Villarroel, người thợ mỏ được cứu, cho biết “chuyến đi lên êm ả. Mọi việc được chuẩn bị tốt. Trong lúc đi lên, tôi được nghe nhạc.”
Ông và 32 thợ mỏ khác vừa lập kỳ lục thế giới sống sót qua tại nạn kẹt dưới lòng đất lâu nhất.
Khi họ lên mặt đất, mỗi thợ mỏ được tổng thống Pinera chào đón, ông hứa sẽ xem lại để có thay đổi quyết liệt tác động đến sức khỏe, sự an toàn của công nhân khai mỏ cũng như các ngành vận chuyển, ngư nghiệp và xây dựng.
Ông nói không thể bảo đảm rằng Chi-lê sẽ không bao giờ đối mặt với một tai nạn như thế trong tương lai.
“Nhưng chúng tôi có thể bảo đảm một điều: ở đất nước chúng ta, chúng ta không bao giờ để xảy ra lần nữa tình trạng làm việc trong điều kiện phi nhân đạo và kém an toàn như ở mỏ San Jose và nhiều nơi khác trong nước.”
Ông nói với các thợ mỏ sẽ tổ chức ăn mừng lớn dành cho họ vào ngày 25 tháng 10, tại thủ đô Santiago.
Ông còn mời họ tham dự một trận bóng cùng ngày đấu với các viên chức đã hỗ trợ giải cứu họ.
Ông Pinera nói đùa rằng đội thắng cuộc sẽ được sống trong dinh tổng thống, dinh La Moneda, còn đội thua cuộc sẽ phải xuống trở lại dưới mỏ.
Những lời đề nghị
Các thợ mỏ sống sót qua 17 ngày đầu tiên của thử thách bằng cách ăn dè sẻn khẩu phần đủ dùng trong chỉ vài ngày trước khi lực lượng cứu hộ tìm thấy họ nhờ một máy dò thả xuống qua một cái lỗ rộng cỡ một trái bưởi.
Thực phẩm và đồ tiếp tế được thả xuống cho những người này trong lúc họ chờ khoan một đường hầm thông lớn hơn để giải cứu.
Giờ đây khi mọi người đã an toàn, mọi suy nghĩ đang chuyển hướng sang vấn đề cảm xúc của họ.
Khảo sát cách những người thợ mỏ thích nghi với cuộc sống trên mặt đất xuất phát từ nhật ký viết cho đài BBC của ba đứa con của Omar Reygadas, người thứ 17 được giải cứu.
Cô bé Ximena, một trong ba đứa trẻ, mô tả cha mình xanh xao sau 69 ngày dưới lòng đất đến mức trông giống như con ma Casper trong phim hoạt hình.
“Nói chung, ông ấy lạc quan. Nhưng khi ông nhớ lại vài ngày đầu tiên sau tai nạn, ông bắt đầu khóc, ông bị rối loạn,” cô bé viết.
“Nhưng sau đó ông lại trấn tĩnh và tinh thần ông lạc quan trở lại.”
Chính phủ Chi-lê hứa chăm sóc những người thợ mỏ trong ít nhất là sáu tháng.
Các lời đề nghị và mời chào dành cho những người này đã bắt đầu đổ dồn về tới tấp.
Các câu lạc bộ bóng đá Châu Âu Manchester United và Real Madrid đã mời cả 33 người đến xem họ thi đấu và họ cũng nhận được những lời mời đi nghỉ và xuất hiện trên truyền hình.
Họ cũng trông đợi các lời mời làm việc, các hợp đồng quảng cáo và viết sách, đóng phim để thuật lại câu chuyện dị thường của mình.
http://www.bbc.co.uk/news/world-latin-america-11547889