Ethan cảm thấy chẳng thiết sống nữa. Mọi thứ đã trở nên hết sức chật vật kể từ sau cái chết của mẹ. Bố phải “cày” hai công việc và có vẻ như lúc nào ông cũng kiệt sức và bực dọc. Bất kể khi nào Ethan nói chuyện với bố thì hai bố con cũng đều la ó và kết thúc trong om sòm.
Ethan vừa mới biết mình đã thi rớt môn toán và em rất sợ cái cách mà bố em điên tiết lên và thất vọng về em như thế nào. Trước đây thì lúc nào em cũng trò chuyện, chia sẻ với bạn gái – một người duy nhất có thể hiểu được tâm sự của em. Nhưng mới tuần trước đây em đã chia tay cô ấy rồi và giờ đây Ethan cảm thấy rất trống trải, chẳng có nơi nào để em có thể tìm nguồn ủi an.
Ethan biết được bố cất súng ở đâu nhưng khi em đang mở cửa tủ thì Ethan nghe tiếng em gái mình đi học về. Ethan không muốn Grace phát hiện ra việc này nên em đã cất súng trở lại và đến xem ti vi với em gái. Sau đó khi biết mình sắp sửa tự sát, Ethan vô cùng khiếp sợ; em dốc hết can đảm để có thể nói chuyện với bố. Hai bố con nói chuyện với nhau rất lâu và rồi Ethan cảm nhận ra rằng bố thương em, quan tâm em nhiều biết bao nhiêu. Điều em suy nghĩ đến lúc ấy chính là làm thế nào em có thể quẳng hết tất cả những phiền muộn ra khỏi lòng mình.
Lý do gì khiến thiếu niên có ý định tự sát?
Hầu hết các em thiếu niên được hỏi sau khi có ý định tự sát đều trả lời động cơ khiến các em tìm đến cái chết là muốn thoát khỏi một hoàn cảnh mà có vẻ như không có lối thoát hoặc muốn được giải toả được khỏi những ý nghĩ hoặc những tâm trạng đang hết sức khủng hoảng. Cũng giống như Ethan, các em không muốn chết nhưng rất muốn được thoát khỏi cái thực tại mình đang sống. Và trong thời điểm hết sức đặc biệt đó thì cái chết có vẻ như là lối thoát duy nhất của các em.
Một số người tự sát hoặc có ý định tự sát có thể muốn thoát khỏi cái tâm trạng, cái cảm giác bị hắt hủi, bị đối xử tệ, bị tổn thương hoặc bị mất mất gì đó. Một số khác có thể là tức giận, xấu hổ, hoặc phạm tội; cũng có một số người có thể lo lắng đã làm cho bạn bè, người thân trong gia đình thất vọng; một số lại mang tâm trạng là người thừa thải, không được yêu thương, bị đối xử bất công, hoặc cũng có thể là gánh nặng của những người khác.
Trong cuộc sống cũng có đôi khi chúng ta bị những cảm xúc khó chịu hoặc những hoàn cảnh tai ương áp đảo. Thế nhưng hầu hết mọi người đều có thể vượt qua hoặc có thể nhìn vấn đề ở một góc triển vọng và tìm cách giải quyết bằng tất cả quyết tâm và hi vọng. Điều này lý giải vì sao trong cùng một hoàn cảnh éo le như nhau mà người này muốn tự sát còn người kia thì không? Điều gì đã khiến cho một số người này lại kiên cường hơn (đối phó với khó khăn và thất bại của cuộc sống tốt hơn) một số người khác? Điều gì đã khiến cho người ta không thể tìm thấy một lối thoát nào khác ngoài việc tự sát khi rơi vào tình cảnh khó khăn?
Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó cốt là ở chỗ hầu hết người tự sát đều phiền muộn, u ất và chán nản trong lòng.
Chán nản, trầm cảm
Sự trầm cảm, u uất khiến cho nguời ta thường để ý đến sự thất bại và tuyệt vọng, coi trọng, nhấn mạnh mặt tiêu cực của các tình huống, và xem nhẹ hay hạ thấp năng lực hoặc giá trị của mình. Một người bị chứng trầm cảm nặng không tài nào hình dung hoặc mường tượng ra khả năng có một kết quả tốt đẹp và có thể cho là mình sẽ chẳng được hạnh phúc hoặc với họ thì mọi việc không bao giờ là đúng nữa.
Chứng phiền muộn làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người theo cách làm người ta mụ mẫm, bế tắc không thấy hướng đi trong khi một vấn đề có thể qiải quyết được. Nó như thể đã áp đặt một bộ lọc lọc tác động vào tư tưởng, suy nghĩ của con người và làm méo mó mọi thứ. Đó là lí do vì sao người phiền muộn không nhận thấy được hành vi tự sát là một giải pháp lâu dài cho một vấn đề tạm thời giống như người khác nghĩ. Một thanh thiếu niên bị phiền muộn có thể cũng có cảm giác bế tắc, không lối thoát, không có cách nào dứt được nỗi đau trong tâm hồn, nỗi đau về xúc cảm hoặc không tìm được cách nào để có thể bày tỏ sự bất hạnh, tuyệt vọng của mình cho người khác nghe.
Đôi khi những người muốn tự sát có thể chẳng hề nhận ra họ bị trầm cảm. Họ không biết đó là chứng trầm cảm – không phải là hoàn cảnh – làm cho họ suy nghĩ rằng “không còn lối thoát”, “sẽ chẳng khá hơn đâu”, “mình không làm gì được hết”... những thứ đại loại như vậy.
Nhờ bác sĩ điều trị hay dùng phương pháp trị liệu thích hợp, người ta trở nên hết phiền muộn và những suy nghĩ bị méo mó, lệch lạc cũng không còn. Người ta có thể tìm thấy niềm vui, cơ thể tràn trề năng lượng và hi vọng trở lại. Nhưng khi người ta bị trầm cảm nặng nề thì tư tưởng tìm đến cái chết hay hành vi tự sát là một mối lo ngại thực sự.
Người bị bệnh rối loạn lưỡng cực cũng có nguy cơ tự sát cao hơn nhiều vì chứng bệnh này có thể khiến họ phải trải qua thời gian trầm cảm cực độ cũng như thời gian tràn trề năng lượng, tràn trề sức sống một cách bất thường (gọi là chứng hưng cảm hoặc vui buồn thất thường). Cả hai thái cực rối loạn lưỡng cực đỉnh điểm này đã tác động và làm lệch lạc tâm trạng, cách nhìn và sự suy xét, phán đoán của con người. Đối với những người mắc bệnh này thì việc giữ cho vấn đề theo một triển vọng đẹp và hành động bằng một thái độ suy xét đúng đắn quả là một thách thức cam go.
Lạm dụng chất kích thích
Những thiếu niên nghiện ngập ma tuý và rượu chè cũng có nguy cơ có ý nghĩ và hành vi tự sát cao hơn. Rượu và một số loại ma túy làm cho não suy nhược. Việc lạm dụng những chất kích thích này có thể khiến trầm cảm nặng nề. Đối với một số thiếu niên có khuynh hướng bị trầm cảm vì cơ chế sinh học, tiền sử gia đình, hoặc các nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống khác thì điều này hoàn toàn đúng.
Tình hình càng trở nên tệ hại hơn bởi nhiều người bị trầm cảm lao vào rượu chè hoặc ma tuý như một cứu cánh và để tìm lối thoát. Nhưng họ không nhận ra những tác hại gây trầm cảm và suy nhược của rượu và ma tuý kích thích lên não có thể sẽ làm cho chứng trầm cảm ngày càng nặng nề hơn.
Ngoài tác hại là gây trầm cảm, rượu và ma tuý còn làm thay đổi khả năng phán quyết, xử lý của con người; gây mất khả năng đo lường nguy hiểm, mất khả năng đưa ra quyết định đúng đắn và không còn khả năng nghĩ ra giải pháp nào cho vấn đề của mình. Nhiều trường hợp nạn nhân tự sát khi đang say rượu hay “phê” thuốc phiện.
Tất nhiên là điều này không có nghĩa là hễ ai phiền muộn, trầm cảm hay bê tha rượu chè hoặc thuốc phiện đều có ý định tự sát cả. Nhưng những tình huống này – nhất là khi kết hợp cả phiền muộn và rượu chè, thuốc phiện – thì người ta càng có nguy cơ tự sát cao hơn.
Không phải lúc nào cũng lên kế hoạch tự sát trước
Người trầm cảm, u uất đôi khi lên kế hoạch tự sát trước. Dẫu vậy lắm lúc hành vi tự sát cũng xảy ra một cách rất bốc đồng, xảy ra trong một giây khắc mà người ta cảm thấy cáu tiết kinh khủng. Bạn có thể hình dung một tình huống như chia tay nhau, cãi vã xung đột dữ dội với bố mẹ, mang thai ngoài ý muốn, bị người khác bỏ rơi, hoặc bị đối bất công có thể khiến cho người ta trở nên khó chịu vô cùng. Trong nhiều trường hợp thì tình huống như thế này, đối với người đang bị trầm cảm giống như một giọt nước làm tràn ly vậy.
Một số người có ý định tự sát muốn kết liễu cuộc đời và cũng có một số người lại hoàn toàn không chắc là mình muốn chết. Đối với một số người thì tự sát là cách bày tỏ nỗi đau, sự tổn thương sâu sắc về xúc cảm. Họ không thổ lộ được tâm trạng của mình, vì vậy hành vi tự sát là phương cách duy nhất có thể giúp họ bộc lộ nỗi sầu khổ của mình. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người thực sự không muốn tự sát lại chết bi thảm hoặc bị bệnh nặng nề.
Những dấu hiệu báo trước
Thường cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy một người đang nghĩ đến việc tự sát hoặc lên kế hoạch tự sát. Dưới đây là một vài dấu hiệu đó:
* thường nói về chết chóc hoặc tự sát
* nói về việc “đi xa”
* nói về những thứ mà người ta “sẽ không cần dùng đến nữa”, và cho ai quyền được sở hữu chúng
* nói về cảm giác tuyệt vọng và có tội
* xa lánh bạn bè và gia đình và không còn hào hứng đi chơi đâu nữa
* không hăng say tham gia các hoạt động hay những trò yêu thích nữa
* khó tập trung hoặc suy nghĩ thông suốt
* thay đổi thói quen ăn uống và ngủ nghỉ
* có hành vi tự hủy hoại (chẳng hạn như bê tha vào rượu chè, ma tuý hoặc cắt rạch tay mình,...)
Nếu bạn có ý định tự sát, bạn nên làm gì?
Nếu bạn đang có ý định tự sát thì nên tìm đến sự giúp đỡ của người khác ngay nhé. Chứng trầm cảm rất kinh khủng đấy. Bạn không thể chờ đợi và hi vọng rằng tâm trạng của mình sẽ được cải thiện. Khi một người cảm thấy phiền muộn, chán nản trong một thời gian dài thì khó lòng có thể vực họ dậy được.
Hãy trò chuyện, tâm sự với một người nào đó mà bạn tin tưởng càng sớm càng tốt nhé. Nếu không nói được với bố mẹ thì bạn nên chia sẻ với người dạy kèm của mình, người thân, nhân viên tư vấn ở trường, người đứng đầu một tôn giáo nào đó, hoặc thầy cô của mình. Hãy gọi đường dây khủng hoảng tự sát (như 1-800-SUICIDE hoặc 1-800-999-9999) hoặc số điện thoại khẩn cấp ở địa phương (911). Những đường dây miễn phí này luôn được trực 24/24, 7 ngày/ tuần bởi các chuyên gia đã qua trường lớp đào tạo có thể hướng dẫn cho bạn mà không biết tên bạn hay thấy mặt bạn. Tất cả những cú điện thoại này đều được bảo mật – không ai có thể phát hiện ra bạn đã gọi điện đến đường dây này. Các chuyên viên luôn túc trực điện thoại sẽ giúp cho bạn tìm cách để đối phó với những tình huống gay go trong cuộc sống của mình.
Nếu người thân của bạn có ý định tự sát, bạn nên làm gì?
Sẽ không bao giờ thừa và luôn là một điều hay nếu bạn bắt đầu trò chuyện với người mà mình cho là đang có ý định tự sát. Điều này giúp bạn tiếp cận và hỗ trợ cho người ấy, và việc làm chia sẻ như vậy cũng có thể giúp người ta cảm thấy bớt đơn độc, được quan tâm nhiều hơn và được hiểu nhiều hơn.
Cách bàn bạc, chia sẻ cũng có thể cho người ta một cơ hội để nghĩ đến các giải pháp khác đối với vấn đề. Hầu như lúc nào thì người có ý định tự sát cũng muốn bộ bạch ra nếu ai đó hỏi han, quan tâm và ân cần với họ. Vì người phiền muộn, trầm cảm không nhìn ra được hướng giải quyết như những người bình thường khác nên rất cần một người để cùng với họ nghĩ ra ít nhất là một lối thoát khác khỏi tình huống tồi tệ ấy.
Dẫu là một người bạn hoặc một đứa bạn cùng lớp buộc bạn phải thề giữ bí mật thì bạn cũng nên giúp bạn ấy ngay tức khắc – mạng sống của bạn mình có thể tùy thuộc vào điều này đấy. Người thực sự có ý định tự sát có thể đã đắm trong một hố sâu đau đớn về xúc cảm và không nhận ra được mình đang cần ai đó giúp đỡ. Bạn hãy nói cho một người lớn nào đó mà bạn tin tưởng càng sớm càng tốt nhé.
Nếu cần thiết, bạn cũng có thể gọi điện đến đường dây khủng hoảng tự sát miễn phí hoặc số điện thoại khẩn cấp ở địa phương (911). Bạn có thể tìm số điện thoại khủng hoảng tự sát ở địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng trong danh bạ điện thoại của mình. Những nguồn này hoàn toàn được bảo mật và nhân viên làm việc ở đây luôn sẵn lòng trò chuyện với bạn và giúp cho bạn tìm ra giải pháp tốt nhất cho mình.
Cũng lắm khi nhiều thiếu niên có ý định tự sát hoặc chết vì tự sát không tỏ một dấu hiệu nào trước đó cả. Điều này làm cho những người thân yêu không những mang cảm giác kiệt sức vì phiền muộn mà còn mặc cảm tội lỗi và dằn vặt liệu họ có bỏ lỡ một việc làm hay một cơ hội nào đó để có thể ngăn chặn cái chết không. Bạn bè và người thân trong gia đình người chết vì tự sát nên hiểu rằng đôi khi mình không thể thấy một dấu hiệu cảnh báo nào và không nên tự trách mình như thế.
Khi một người nào đó chết vì tự sát thì thường để lại cho người sống một cảm giác vật vã đau đớn, xúc động dữ dội. Các em thiếu niên bị khủng hoảng, mất mát, thất bại hoặc có bạn học hay người thân trong gia đình tự sát cũng rất dễ bị tổn thương gây tư tưởng và hành vi tự sát theo.
Nếu bạn sống gần người có ý định tự sát hoặc người tự sát thì bạn nên tham khảo ý kiến của một nhà trị liệu hoặc một nhân viên tư vấn nào đó-họ đã được học cách giải quyết tình huống phức tạp như thế này. Hoặc là bạn có thể gia nhập nhóm tư vấn để bạn có thể chia sẻ, bày tỏ cảm xúc của mình và được những người đồng cảnh ngộ tương trợ và giúp đỡ cho mình.
Đối phó với vấn đề tự sát
Sống một cuộc sống của thanh thiếu niên chẳng dễ gì bởi có quá nhiều áp lực xã hội, áp lực học hành, và cả những áp lực riêng tư nữa. Và đối với những bạn gặp phải những rắc rối khác như sống trong môi trường bạo lực hoặc hung hãn thì cuộc sống thậm chí dường như khó khăn hơn nhiều.
Một số bạn thiếu niên cảm thấy lo lắng về tình dục và các mối quan hệ khác của mình, phân vân liệu tình cảm và sức lôi cuốn, hấp dẫn của mình có bình thường không, hoặc liệu mình có được yêu và được người khác chấp nhận không. Một số bạn khác lại khổ sở vì vóc dáng và các vấn đề ăn uống của mình; và rồi việc cố vươn tới một lý tưởng không thể nào thực hiện được làm cho các bạn cảm thấy mình thật tệ hại. Bên cạnh đó cũng có một số thiếu niên học hành sa sút hoặc không tập trung được khiến cho các bạn khó có thể thành công trong học tập ở trường. Các bạn ấy có thể cảm thấy thất vọng về chính mình hoặc cảm thấy mình là niềm thất vọng của người khác.
Những vấn đề này có thể là khó khăn, rắc rối và làm cho người ta kiệt sức đấy – và càng có thể sinh ra trầm cảm nếu cứ tồn tại lâu dài mà không được giải toả hoặc được người khác trợ giúp. Cuộc sống chúng ta đôi khi cũng phải chật vật với những tình huống và những khó khăn đau khổ. Chúng ta phải làm gì để có thể vượt qua những hoàn cảnh ấy mà không rơi vào tuyệt vọng, sầu bi? Một phần câu trả lời là nhờ sự gần gũi với gia đình, bạn bè, trường lớp, niềm tin, và các mạng lưới hỗ trợ khác. Người ta có thể dễ dàng vượt qua những hoàn cảnh éo le khi bên cạnh còn có ít nhất một người tin tưởng họ, muốn điều tốt đẹp nhất đến với họ và có thể là người cho họ trút đi niềm tâm sự. Người ta cũng dễ dàng đối phó tốt hơn khi tâm niệm rằng hầu hết các vấn đề đều chỉ là tạm thời và có thể khắc phục được.
Khi đối phó với một vấn đề nào đó, bạn nên:
* Nói cho một người nào đó bạn tin tưởng chuyện gì đang xảy ra với mình.
* Sống gần bên người hay quan tâm, giúp đỡ và có ý chí tích cực.
* Nhờ một người nào đó giúp bạn hình dung ra giải pháp đối với vấn đề bạn đang vướng mắc.
* Tham khảo ý kiến của một nhà trị liệu hoặc một tư vấn viên nào đó nếu vấn đề đang ngày càng khiến cho bạn trở nên buồn bực và tuyệt vọng – hoặc nếu bạn không có mạng lưới hỗ trợ nào nhiệt tình, hoặc nếu bạn cảm thấy không thể đối phó được.
Các nhà trị liệu và tư vấn viên có thể giúp đỡ cho các bạn thiếu niên giải toả cảm xúc và xây dựng kỹ năng đối phó vấn đề. Bạn cũng nên gia nhập vào mạng lưới hỗ trợ cho những người có cùng hoàn cảnh như bạn – chẳng hạn như người mắc chứng biến ăn và khổ sở vì vóc dáng, có người thân trong gia đình nghiện rượu chè, hoặc người đang lo ngại về vấn đề tình dục và sức khoẻ tình dục. Những nhóm người này có thể cho bạn một môi trường quan tâm, chăm sóc mà nơi đây bạn có thể chia sẻ khó khăn với người đồng cảnh ngộ như mình.
Bạn nên kiểm tra danh bạ điện thoại để tìm các nhóm hỗ trợ ở địa phương, hoặc nhờ nhân viên tư vấn ở trường hoặc nhóm trưởng của một nhóm thanh niên nào đó giúp cho bạn tìm những gì bạn cần nhé.