1 October 2010 Last updated at 01:17 GMT
Ecuador tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi tổng thống Rafael Correa tố cáo phe đối lập và các lực lượng an ninh mưu toan đảo chính
Ông Correa vẫn còn nằm viện giữa lúc báo chí tường thuật có bạo loạn bên ngoài và chính phủ tuyên bố các lực lượng an ninh sẽ không để cho tổng thống xuất viện
Quân đội đã chiếm phi trường Quito, buộc phi trường phải đóng cửa nhiều giờ.
Tình hình bất ổn đã được tường thuật khắp đất nước Ecuador trong bầu không khí giận dữ vì một đạo luật mới cắt giảm phúc lợi của các viên chức nhà nước.
Những người ủng hộ cho biết các lực lượng an ninh sẽ không để cho tổng thống rời khỏi bệnh viện cảnh sát khi ông đến điều trị sau khi bị trúng hơi cay.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh, Miguel Carvajal, cho biết có ít nhất một người chết và nhiều người khác bị thương trong tình trạng hỗn loạn, nhưng điều này có thể không được xác nhận ngay lập tức.
Ông Correa nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ từ các chính phủ trên khắp Châu Mỹ, trong đó hàng loạt quốc gia Mỹ La-tinh và Mỹ tất cả đều lên tiếng ủng hộ tổng thống bị tấn công.
Các diễn tiến khác trong hôm thứ Năm :
- Các sĩ quan cảnh sát dựng rào chắn đường tại Quito, Guayaquil và Cuenca.
- Theo tường thuật, tình trạng cướp phá diễn ra ở thủ đô và Guayaquil. Các nhà băng bị đánh cướp, trong lúc trường học và doanh nghiệp đóng cửa vì thiếu an ninh
- Tổng tư lệnh các lực lượng quân sự tuyên bố trung thành với tổng thống
- Tổng thống Venezuela tuyên bố ông Correa “có nguy cơ bị giết chết”
- Peru và Colombia đóng cửa biên giới với Ecuador để tỏ tình đoàn kết
Sự việc bắt đầu vào sáng thứ Năm khi các thành viên lực lượng quân đội và cảnh sát giận dữ trước các biện pháp khắc khổ đã chiếm lấy một số đồn binh và dựng rào cản khắp đất nước.
Các đài truyền hình phát đi hình ảnh cảnh sát đốt các vỏ xe ngoài đường phố Quito, Guayaquil và các thành phố khác. Tòa nhà Quốc Hội cũng đã bị chiếm giữ.
Trong bài diễn văn phát đi từ trại quân chính ở Quito, tổng thống Correa nói: “Nếu các ông muốn giết tổng thống, ông ta đang ở đây. Giết đi, nếu các ông có đủ can đảm.
“Nếu các ông muốn chiếm các trại lính, nếu các ông muốn để cho người dân bị mất an ninh, nếu các ông muốn phản bội lại sứ mạng của lực lượng cảnh sát, cứ tiếp tục. Nhưng chính phủ này sẽ làm những việc phải làm. Tổng thống này sẽ không lùi bước.”
Tuy nhiên, ông Correa buộc phải mang mặt nạ chống hơi cay rời khỏi trại lính không lâu sau đó khi phe chống đối bắn hơi cay vào.
Sau đó tổng thống được điều trị tác động của hơi cay tại một bệnh viện cảnh sát, nơi mà ông nói với các phương tiện thông tin địa phương là mình đã bị “tấn công”.
“Họ ném hơi cay vào chúng tôi. Một quả nổ tung gần mặt tôi. Tôi và vợ tôi choáng váng vài giây, có lẽ là vài phút,” ông cho biết. “Tôi phải mang mặt nạ hơi cay và một số kẻ hèn nhát đã giật lấy nó vì thế tôi bị ngạt thở.
“Tôi muốn nói họ bắn vào tổng thống – thật không tin được – các lực lượng an ninh của chúng ta, cảnh sát quốc gia của chúng ta.”
“Đó là mưu toan đảo chính được thực hiện bởi phe đối lập và một số phe phái trong lực lượng quân đội và ngành cảnh sát,” ông nói thêm. “Cho dù có gì xảy ra cho mình, tôi vẫn muốn thể hiện tình yêu của mình đối với gia đình và đất nước.”
Ông kết tội Đảng Xã Hội Ái Quốc (PSP), đứng đầu là Lucio Gutierrez, đã kích động tình hình bất ổn, và nói “tất cả những phần tử xấu” trong lực lượng cảnh sát sẽ phải bị “loại trừ”.
‘Bắt cóc’
Sau đó tổng thống Hugo Chavez của Venezuela thuật rằng ông Correa từ bệnh viện đã điện thoại cho ông biết “rằng khi ông có thể ra về, ông rất vui lòng tiếp đón [những kẻ chống đối], nhưng bọn họ đã bắt cóc ông, và ông sẽ không nhượng bộ hành vi đe dọa”.
Ông Chavez viết trong một đoạn tin trên trang xã hội Twitter: “Bọn họ đang tìm cách lật đổ tổng thống Correa. Hãy đánh thức người dân của Liên Minh Bolivarian! Hãy đánh thức người dân unasur [Liên Minh các Quốc Gia Nam Mỹ]! Correa muôn năm!,”
Các nhân chứng cho biết, sau đó cảnh sát đã bắn hơi cay vào những người ủng hộ tổng thống lúc ấy đang cố phá vỡ sự chống đối của họ ở bệnh viện.
Trong khi đó, khoảng 300 binh lính và người thuộc lực lượng không quân đã kiểm soát phi đạo ở phi trường quốc tế Mariscal Sucre ở Quito, khiến các chuyến bay không thể cất cánh. Sau đó phi trường đã mở cửa trở lại, Thị trưởng Quito nói với các phóng viên.
Các nhân chứng cho biết, phe phản đối mang những tẩm biển đòi chính phủ phải tôn trọng hơn nữa những phúc lợi của khối quân đội.
Sứ quán Mỹ cho biết phi trường ở Guayaquil cũng bị đóng cửa và cảnh báo các công dân Mỹ nên “ở lại nhà hoặc nơi ở hiện tại, nếu an toàn”.
Mặc dù đang bất ổn, người đứng đầu Bộ Chỉ Huy Phối Hợp các Lực Lượng Quân Sự, tướng Luis Ernesto Gonzalez Villarreal, nói các binh sĩ vẫn trung thành.
Ông ta nói, “Chúng ta đang sống trong một quốc gia pháp trị, và chúng ta phải tuân thủ quyền lực tối cao, đó là tổng thống của nước cộng hòa,”
“Chúng ta phải thực thi bất kỳ hành động phù hợp nào mà chính phủ đã quyết định.”
Cướp bóc
Trong khi đó thống đốc ngân hàng trung ương của nước này, Diego Borja, kêu gọi các công dân không rút tiền ra khỏi các ngân hàng trong lúc có tường thuật về tình trạng cướp bóc. Nhiều trường học và doanh nghiệp cũng đóng cửa vì tình trạng bất ổn.
Andrea M, một độc giả của trang web tin tức BBC, nói: “Bọn trộm cướp lợi dụng tình hình này, và bắt đầu tấn công người đi đường. Giờ đây, hầu hết mọi người đều ở trong nhà, chờ xem chuyện gì xảy ra với chính phủ.”
Một số lãnh đạo của địa phương này bày tỏ sự ủng hộ ông Correa, trong đó có Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS). Tổng thư ký Miguel Insulza của tổ chức này gọi tình hình này là “một cuộc đảo chính đang hình thành.”
Cả Peru và Columbia đều đóng cửa biên giới với Ecuador, trong khi Mỹ cho biết nước này ủng hộ ông Correa và “đang chăm chú theo dõi” tình hình. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông lo ngại sâu sắc cho tổng thống Correa và kêu gọi giải quyết khủng hoảng bằng một giải pháp hòa bình.
Hôm thứ Tư, một bộ trưởng nói Tổng thống Correa đang xem xét việc giải tán Quốc Hội vì các thành viên trong Liên Minh Quốc Gia của ông đe dọa ngăn chặn các đề xuất bài trừ bộ máy quan liêu.
Hiếp pháp đã hình thành hai năm của Ecuador cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng bế tắc và điều hành bằng sắc luật cho đến khi có tuyển cử mới. Tuy nhiên, động thái ấy phải được Tòa Án Hiến Pháp chuẩn y.
Ecuador có một lịch sử bất ổn về chính trị. Các vụ chống đối đã lật đổ ba tổng thống trong giai đoạn bất ổn kinh tế trong thập niên này trước khi ông Correa, nhà kinh tế học 47 tuổi do Mỹ đào tạo, lên nắm quyền vào năm 2007.
Ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2009 cho dù có một quyết định không trả nợ trái phiếu toàn cầu trị giá 3,2 tỷ đô-la gây ra cho chính phủ các vấn đề tài chính ảnh hưởng rộng rãi. Ông Correa tuyên bố khoản nợ này là “không đúng pháp luật”.
http://www.bbc.co.uk/news/world-latin-america-11447519