Phản ứng của con người về tinh thần lẫn thể xác
Khi đối diện với một sự chết nào đó, người ta có thể nếm trải tất cả các cảm xúc khác nhau. Bạn có thể sẽ cảm thấy buồn bã, lo lắng hay cả sợ sệt. Có thể bạn bị sốc, hoang mang hay chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận nó. Bạn có thể cảm thấy tức giận, bị lừa bịp, trút được gánh nặng, tội lỗi, mệt nhoài, hoặc chỉ là cảm giác trống trải, cô đơn. Các cảm xúc của bạn có thể sẽ trở nên mãnh liệt, dữ dội hơn và sâu sắc hơn bình thường hoặc lẫn lộn vào nhau thành một thứ cảm xúc nào đó mà bạn chưa hề trải nghiệm trước đó cả.
Một số người cảm thấy khó có thể tập trung, học hành, ngủ nghỉ hay thậm chí là ăn uống khi phải đối diện với một cái chết của ai đó. Một số khác cảm thấy không còn hào hứng hay hăng say đối với các hoạt động mà trước đây họ rất thích thú và đam mê. Nhiều người lao vào chơi game vi tính hay ăn uống một cách vô độ. Và một số khác cảm thấy như tê dại đi, như thể không hề có chuyện gì xảy ra vậy.
Tất cả những cảm xúc ấy rất đỗi bình thường khi người ta phản ứng với một sự chết nào đó.
Nỗi đau buồn là gì?
Khi đối diện với một sự chết hay một mất mát nào đó, chúng nay nảy sinh những phản ứng xúc cảm, phản ứng cơ thể và cả phản ứng về tâm linh, tinh thần – ấy là nỗi buồn hoặc là nỗi khổ đau. Người sầu khổ có thể:
* mang cảm xúc mãnh liệt, như buồn bã và tức giận
* biểu hiện những phản ứng của cơ thể, như không ngủ được hoặc thậm chí cảm thấy buồn nôn
* biểu hiện phản ứng tâm linh, tinh thần đối với cái chết – chẳng hạn như, một số người hoài nghi về niềm tin, về tín ngưỡng của mình và cảm thấy thất vọng, chán nản về đức tin tôn giáo ấy trong khi một số người khác lại cảm thấy mạnh mẽ về niềm tin hơn bao giờ hết.
Phải cần thời gian nỗi buồn mới có thể nguôi ngoai được. (Thời gian có thể chữa lành hết tất cả các vết thương.) Người ta buồn đau nhiều hay ít cũng tuỳ thuộc vào mức độ đột ngột hay có thể tiên đoán được sự mất mát như thế nào và cả mối quan hệ hay tình cảm với người đã chết như thế nào nữa.
Một số người biểu lộ nỗi buồn theo nhiều giai đoạn, nhưng thường thì nỗi buồn ấy giống như “các cơn sóng” hơn hoặc nỗi buồn ấy cứ lặp đi lặp lại thành một chu kỳ-một khoảng thời gian rất dài cứ đến rồi đi và cũng rất lệ thuộc vào công việc của bạn, những điều bạn đang làm đây và nếu như có cơ hội, có điều gì đấy làm cho bạn liên tưởng hay nhớ đến người đã chết.
Nhiều cách biểu hiện đau buồn
Nếu bạn bị mất đi gia đình nhỏ của mình, như bố hay mẹ, anh trai hay chị gái của mình, bạn sẽ có thể cảm thấy rất hụt hẫng, tiêu tan không còn thời gian bên cạnh người ấy nữa. Bạn cũng có thể rất khó bày tỏ nỗi sầu khổ của mình khi các thành viên khác trong gia đình cũng đang buồn như bạn vậy.
Một số người có thể kiềm chế và nuốt nỗi đau hay tránh nói về người đã chết bởi họ lo sợ rằng điều ấy có thể khiến cho bố (mẹ) hay một người khác trong gia đình phải buồn khổ. Người ta cũng cảm thấy tội lỗi về một cuộc cãi vã nào đó hay một mối quan hệ khó chịu nào đó với người đã chết. Tâm trạng này cũng bình thường thôi.
Không phải lúc nào chúng ta cũng tỏ ra buồn đau với cái chết của người khác. Một con thú cưng mất đi cũng có thể làm cho bạn khổ sở dữ dội. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên là tại sao nỗi mất mát ấy lại làm người ta đau khổ như vậy. Nhưng tình yêu của chúng ta đối với thú nuôi là có thật, và cảm giác buồn đau mất mát khi chúng chết đi cũng là sự thật.
Tất cả các cảm xúc và phản ứng như thế là bình thường– nhưng người ta có thể làm gì để vượt qua được tâm trạng đó? Nỗi sầu khổ đó sẽ kéo dài bao lâu? Liệu mọi thứ có trở về trạng thái bình thường như trước không? Và rồi làm thế nào bạn có thể tiếp tục sống mà không có người ấy bên cạnh?
Đối diện với đau buồn
Người ta biểu lộ đau buồn bằng nhiều cách thì họ cũng có thể chế ngự nỗi buồn với nhiều cách khác nhau.
Một số người cần đến nguồn an ủi, động viên của người khác và có thể thấy khuây khoả với những kỉ niệm ngọt ngào với người đã mất. Một số khác luôn làm mình bận rộn để khỏi nhớ về nỗi mất mát đó. Cũng có nhiều người trở nên tuyệt vọng và tránh xa đồng nghiệp, bạn bè hoặc tránh đến những nơi hoặc né các tình huống có thể gợi cho họ nhớ về người đã chết.
Đối với một số người thì việc tâm sự, chia sẻ nỗi buồn với người khác quả thật có tác dụng tốt. Nhiều người nói ra điều này hết sức tự nhiên và dễ dàng với gia đình và bè bạn, trong khi nhiều người cũng cần đến nhà trị liệu chuyên nghiệp.
Nhiều người có thể chẳng muốn nói nhiều về điều này bởi thật khó lòng bày tỏ thứ cảm xúc sâu lắng và riêng tư như thế này thành lời được hoặc họ cũng phân vân là liệu việc nói ra, chia sẻ ra có làm mình cảm thấy tổn thương nhiều hơn không. Được thôi, miễn là bạn có thể nghĩ ra cách nào đấy để có thể chế ngự nỗi đau của mình.
Cũng đôi khi người ta đối diện nỗi buồn bằng cách lao vào các hoạt động nguy hiểm hoặc tự huỷ hoại mình; các việc đại loại như rượu chè, ma tuý thuốc phiện, hoặc cắt rạch vào tay mình để thoát khỏi thực tế buồn đau này có thể khiến người ta tê dại đi vì đau, nhưng nỗi đau da thịt ấy chỉ là trạng thái tạm thời. Nó hoàn toàn không giải quyết được nỗi mất mát của bạn được, mà chỉ là cảm giác che đậy, có thể khiến các xúc cảm bên trong con người bạn ngày một dữ dội hơn và chỉ làm cho nỗi buồn ấy kéo dài thêm mà thôi.
Nếu bạn cảm thấy đau khổ hơn, hoặc có ý định làm tổn thương mình hoặc có ý định tự sát thì hãy thổ lộ điều này với một người nào đó mà bạn cảm thấy tin tưởng nhé.
Bạn nên mong đợi điều gì
Có thể như bạn không tài nào vực dậy được sau khi phải mất đi một người thương yêu. Nhưng thời gian chính là thứ thuốc mầu nhiệm có thể làm cho nỗi sầu ấy vơi đi và không còn dữ dội nữa. Để vượt qua nỗi đau này thì việc tìm hiểu một số điều bạn nên biết trong thời gian đau khổ cũng có tác dụng tốt đấy.
Với những người có cảm xúc mạnh thì một vài ngày đầu sau khi ai đó mất đi quả là rất khó chịu, họ có thể khóc lóc, an ủi lẫn nhau, và tụ tập lại để giúp đỡ, để chia buồn với người buồn đau nhất. Nếu như bạn có “phát điên lên” và vô cùng tức giận, hoảng sợ, buồn bã, và tuyệt vọng thì cũng dễ hiểu thôi. Một số người miêu tả cảm xúc ấy như một thứ xúc cảm “hão huyền, không có thực” như thể họ đang nhìn thế giới này từ một nơi xa xôi nào đó. Một số khác lại cảm thấy buồn rầu, khó chịu và phẫn nộ.
Gia đình và bạn bè thường tham dự các nghi lễ có thể thuộc về tôn giáo, văn hoá, cộng đồng, hoặc các truyền thống gia đình của họ, như là lễ truy điệu, lễ thức canh, hoặc lễ tang. Các hoạt động này có thể giúp người ta vượt qua một vài ngày đầu sau đám tang và để tưởng nhớ người đã mất. Người ta có thể ngồi lại với nhau nói chuyện và ôn lại kỉ niệm về người thân yêu ấy. Việc này có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần vì bạn bè và gia đình thường mang thức ăn, gởi thiệp đến hoặc ghé qua thăm viếng.
Thường thì người ta bày tỏ cảm xúc của mình trong suốt thời gian này. Nhưng đôi khi người ta quá sốc hay không thể tin nổi đến độ không biểu hiện bất kỳ thái độ cảm xúc nào ngay tức khắc – dẫu rằng sự mất mát ấy là rất lớn đi chăng nữa. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy người ta cười nói với người khác trong tang lễ như thể chuyện buồn đau này chưa hề xảy ra. Nhưng tâm trạng ấy trong những người đưa tang khác cũng có thể là một niềm an ủi, nhắc chúng ta nhớ rằng vẫn còn những thứ khác tương tự như thế.
Lắm lúc khi các nghi thức tang lễ kết thúc thì người ta cũng có cảm giác như “chấm dứt hết tất cả/ mọi thứ xong hết rồi” bởi mọi thứ có vẻ như đã trở về như thường lệ. Khi những người đau khổ ấy quay lại các hoạt động thường nhật của mình lần đầu, có lẽ họ rất khó lòng đặt hết tâm trí vào đó được. Nhiều người trở lại làm việc sau một vài ngày hay một tuần. Nhưng dẫu họ có thể không nói về nỗi đau của mình nữa nhưng điều ấy vẫn luôn còn ám ảnh.
Việc bạn vẫn còn cảm xúc hay đặt ra nhiều câu hỏi trong một thời gian ngắn sau khi ai đó mất đi thì cũng là điều tự nhiên thường thấy. Và cũng là điều bình thường nếu bạn bắt đầu cảm thấy đỡ hơn trước, nó cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào nỗi mất mát ấy ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Nếu bạn cảm thấy buồn trong nhiều ngày, nhiều tuần liền hay thậm chí lâu hơn nữa thì cũng chẳng ngạc nhiên đâu, nó tuỳ thuộc vào mối quan hệ của bạn với người đã mất thân thiết như thế nào.
Bất kể là bạn buồn đau như thế nào đi chăng nữa thì chẳng có cách nào chặn dứt hết nỗi buồn ngay được. Nỗi buồn cần có thời gian để nguôi ngoai và thường kéo dài ở một số người này hơn một số người khác. Có thể là cũng có lúc bạn lo lắng là mình sẽ chẳng bao giờ yêu đời giống như xưa nữa nhưng đây là phản ứng tự nhiên thường gặp sau một niềm đau mất mát thôi.
Hãy quan tâm đến mình nhé
Việc mất đi một người thân yêu có thể khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng đấy. Nếu bạn tự biết tự chăm sóc mình bằng các biện pháp nho nhỏ nhưng rất quan trọng thì cũng có tác dụng rất tốt. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp ích được cho bạn:
* Nên nhớ rằng nỗi buồn chỉ là cảm xúc bình thường. Hãy hiểu rằng bạn có thể (và sẽ có thể) nguôi ngoai qua thời gian.
* Hãy tham dự các nghi lễ. Lễ truy điệu, lễ tang, và các lễ truyền thống khác có thể giúp người ta vượt qua một vài ngày đầu và để tưởng nhớ người đã chết.
* Hãy ở cùng với những người khác. Thậm chí các cuộc họp thân mật của gia đình và bạn bè cũng có ý nghĩa giúp cho người ta không cảm thấy cô đơn trong vài ngày đầu và trong vài tuần đầu đau buồn khi mất đi người thân của mình.
* Nên tâm sự, chia sẻ với người khác nếu có thể. Nhiều người cảm thấy khi kể cho người khác hay tâm sự cho người khác nghe về nỗi buồn mất mát của mình sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn. Nhưng cũng có nhiều người không thích nói ra niềm đau ấy, họ giữ kín cho riêng mình, điều ấy cũng bình thường thôi. Đừng cảm thấy việc nói ra đó là áp lực, là sự cưỡng bức, là một sự căng thẳng đối với bạn.
* Hãy tự bộc lộ tâm trạng tình cảm của mình nhé. Dẫu rằng bạn không thích việc phải nói ra, nhưng hãy tự tìm cho mình cách để trút đi những cảm xúc và những ý tưởng mà bạn đang ôm ấp. Bạn nên bắt đầu viết nhật ký về những kỉ niệm với người đã mất và kể từ khi người ấy mất đi, bạn cảm thấy như thế nào. Hoặc bạn có thể sáng tác một bài hát, một bài thơ, hay một lời tri ân nào đó về người thương đã ra đi của mình. Bạn có thể chia sẻ điều này với người khác hay giữ kín một cách riêng tư.
* Hãy tập thể dục nhé. Việc tập thể dục có thể giúp bạn giải toả được căng thẳng đấy. Có thể rất khó để khiến thói quen này trở nên hứng thú và có động lực, vì vậy bạn nên điều chỉnh các công việc thường nhật của mình nếu cần thiết nhé.
* Nên ăn uống điều độ và hợp lý. Bạn có thể cảm thấy muốn bỏ bữa hoặc là không đói tí nào nhưng cơ thể bạn vẫn cần thức ăn bổ dưỡng đấy.
* Hãy tham gia vào nhóm hỗ trợ nhé. Nếu cảm thấy thích gia nhập vào nhóm người hỗ trợ, bạn nên tham khảo một người lớn hoặc một tư vấn viên nào đó ở trường về cách để tham gia chung với họ. Nên nhớ rằng bạn sẽ không phải cảm thấy buồn bã hay khổ đau một mình nữa đâu, nhiều người khác sẽ cùng chia sẻ niềm đau ấy với bạn.
* Hãy thổ lộ và làm vơi đi cảm xúc của mình bạn nhé. Đừng cố kiềm chế mình khỏi phải khóc, khi muốn khóc bạn hãy khóc thật nhiều đi. Bạn cũng chớ nên bận tâm nếu phải nghe một bài hát nào đó hay làm một hoạt động nào đó khiến bạn khổ đau vì chúng gợi cho bạn nhớ những ký ức về người đã mất. Điều ấy cũng bình thường thôi. Sau một thời gian thì chắc chắn nỗi đau ấy sẽ không còn dữ dội như trước nữa.
* Hãy làm một vật kỉ niệm hay một tặng phẩm nào đó dành cho người đã mất. Bạn hãy trồng một cây hay một khu vườn nào đó, hoặc tưởng nhớ người ấy bằng nhiều cách phù hợp khác, như tham gia chạy bộ hay đi bộ làm từ thiện (chẳng hạn như tham gia cuộc chạy đua vì bệnh nhân ung thư vú) để tưởng nhớ đến người mình yêu thương.
Bạn nên nhờ người khác giúp đỡ nếu nỗi buồn trở nên dữ dội hơn
Nếu sau một thời gian ngắn mất người thương yêu của mình mà nỗi buồn của bạn chưa nguôi ngoai được thì có lẽ bạn nên nhờ người khác giúp đỡ đấy. Nếu nỗi buồn ấy khiến cho bạn trở nên trầm cảm, suy nhược và kiệt sức thì phải nên nói cho người khác biết.
Làm thế nào bạn biết được mình đang mang nỗi đau ấy quá lâu? Dưới đây là một vài dấu hiệu giúp bạn nhận biết được điều đó:
* Bạn không cảm thấy đỡ hơn chút nào khi đã mang nỗi buồn này 4 tháng trở lên.
* Bạn cảm thấy suy nhược và tuyệt vọng.
* Bạn quá đau buồn đến nỗi cảm thấy không thể tiếp tục hoạt động thường nhật của mình.
* Nỗi đau ấy làm bạn khó tập trung, ngủ nghỉ, ăn uống hay giao du, tham gia hoạt động xã hội bình thường như trước.
* Bạn cảm thấy khó lòng sống nổi sau cái chết của ai đó hay nghĩ đến việc tự sát, chết hoặc là tự làm mình bị thương.
Nỗi mất mát ấy khiến cho người ta nghĩ đến cái chết ở một mức độ nào đấy thì cũng thường thấy thôi. Nhưng nếu bạn nghĩ đến việc tự sát hoặc tự làm mình bị thương theo kiểu nào đó hoặc nếu bạn cảm thấy không thể sống nữa thì điều cần thiết là phải nên nói cho người khác biết ngay tức khắc nhé.
Việc tham khảo ý kiến, bàn bạc, khuyên răn của một nhà trị liệu chuyên nghiệp có thể giúp ích cho bạn nhiều đấy vì bạn được nói ra sự đau khổ của mình và có thể bày tỏ những cảm xúc mãnh liệt của mình. Nhiều nhà cố vấn chuyên tiếp xúc với thanh thiếu niên có hoàn cảnh mất mát và tuyệt vọng. Nếu bạn có nhu cầu tham khảo ý kiến của một nhà trị liệu nào đó hay không biết phải nên bắt đầu từ đâu thì bạn nên nhờ một người lớn hay một nhà tư vấn ở trường giúp đỡ nhé. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu cho bạn một nhà trị liệu thích hợp đấy.
Liệu tôi có thể vượt qua được nỗi đau này không?
Gia đình và các bạn bè có thiện ý có thể nói cho người đang đau buồn biết là họ cần phải “tiếp tục/ đứng lên” sau nỗi đau ấy. Đáng tiếc là, lời khuyên như thế này đôi khi cũng có thể khiến cho người ta cảm thấy lưỡng lự không muốn nói về nỗi đau của mình, hoặc làm cho người ta nghĩ là hành vi đau buồn của họ là không đúng hay đau buồn lâu quá, hoặc thậm chí là không bình thường nữa. Bạn cũng nên nhớ là nỗi buồn này là điều rất riêng tư – cách thể hiện sự đau buồn không đúng hay sai gì cả mà tất cả chúng ta đều phải cần thời gian để làm lành nỗi đau ấy.
Dẫu vậy thì người đau buồn cũng phải biết là không nên tách biệt khỏi cuộc sống của mình. Nếu như bạn không thích cái ý tưởng tiếp tục vui sống thì có lẽ cái ý tưởng “cứ tiếp tục cố gắng” có vẻ như phù hợp hơn. Đôi khi thì việc ấy cũng giúp bạn nhớ rằng trong thời gian này bạn phải cố gắng hết sức mình. Nếu cảm thấy buồn thì hãy để tâm trạng ấy cứ tự nhiên một cách thoải mái nhất và chớ nên chạy trốn cảm xúc của mình. Đồng thời bạn cũng nên tiếp tục các hoạt động thường nhật khác như giao du với bạn bè, chăm sóc thú nuôi, tập thể dục, hoặc làm bài tập của mình.
Việc hướng về tương lai phía trước và làm lành vết đau này không có nghĩa là quên đi người đã mất. Quay lại tận hưởng cuộc sống không có nghĩa là không nhớ người ấy nữa. Và phải mất thời gian bao lâu để cho bạn có thể bắt đầu cảm thấy nguôi ngoai không phải là một thước đo để đo tình yêu của bạn với người ấy. Với thời gian, với sự hỗ trợ yêu thương của gia đình và bè bạn và cả những hoạt động tích cực của bạn nữa, tất cả là động lực có thể giúp bạn tìm thấy giải pháp để đối diện với nỗi mất mát thậm chí là nặng nề nhất.