Trung Quốc sắp sửa qua mặt Hoa Kỳ sớm hơn dự kiến, với vai trò là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Câu hỏi đặt ra là, liệu chuyện đó có ảnh hưởng gì không?
Theo quy mô thực tế thì câu trả lời là Không. Nhưng nếu quy mô hoạt động là bảo chứng cho tiềm lực sản xuất công nghiệp của mỗi của quốc gia thì câu trả lời là Có.
Bất cứ ai xuất phát từ quan điểm của một nhà bán lẻ của Hoa Kỳ cũng đều nghĩ rằng Trung Quốc đã là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Nhưng thực ra, Hoa Kỳ vẫn giữ được danh hiệu đó ở một khoảng cách khá xa đối thủ. Vào năm 2007, năm gần đây nhất đang có sẵn số liệu, Hoa Kỳ đã chiếm lĩnh 20% trong sản lượng toàn cầu; Trung Quốc là 12%.
Tuy nhiên, khoảng cách này đang dần dần rút ngắn lại. Theo IHS/Global Insight, một hãng dự báo kinh tế ở Lexington, Mass., xét về giá trị gia tăng thực sự thì đến năm 2015, sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên. Sử dụng biện pháp giá trị gia tăng thì khỏi phải tính toán trùng lặp, nghĩa là tính được giá trị hình thành ở từng công đoạn trong quy trình sản xuất mở rộng.
Mới cách đây hai năm, ước tính của Global Insight là đến năm 2020, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vai trò là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Năm ngoái, họ đã kéo lùi cái năm dự kiến này thành 2016 hoặc 2017.
"Thời kỳ suy thoái trầm trọng gần đây trong nền sản xuất của Hoa Kỳ cũng có nghĩa là Trung Quốc đang tiến nhanh hơn vài năm so với dự kiến ban đầu là sẽ không có tình trạng suy thoái," theo cách nói của Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế hàng đầu của nhóm.
Nền sản xuất của Hoa Kỳ đang thu hẹp lại, mất công ăn việc làm và liền ngay sau thời kỳ suy thoái trầm trọng này, sẽ sản xuất và xuất khẩu hàng hoá ít hơn hẳn, trong khi các nhà máy của Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng. Nếu các nhà sản xuất ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều làm ăn phát đạt thì chẳng cần gì phải tranh cãi quyết liệt.
Nhưng do thâm thủng mậu dịch ồ ạt giữa hai quốc gia và Hoa Kỳ cũng không biết chắc khi nào nền sản xuất của họ sẽ khôi phục và khôi phục đến mức nào, nên sự thăng tiến của Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành một lý do gây bất đồng ngày càng gay gắt.
Đến tháng bảy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn tăng đều so với tháng trước, số liệu của China Federation of Logistics and Purchasing hôm thứ bảy cho thấy như vậy. Purchasing Managers Index nhích dần đến 53,3 vào tháng bảy, so với 53,2 vào tháng sáu và 53,1 vào tháng năm.
Riêng CLSA China Purchasing Managers Index đã đạt mức cao trong năm là 52.8 vào tháng bảy so với 51.8 vào tháng sáu, hôm thứ hai CLSA Asia-Pacific Markets đã cho biết như vậy. Tháng bảy là tháng thứ tư liên tiếp mà CLSA PMI đạt trên 50 sau khi lờ đờ dưới mức then chốt trong tám tháng qua.
Nhiều nhà kinh tế biện luận rằng việc nền sản xuất của Hoa Kỳ bị thu hẹp lại -- cả về mặt công ăn việc làm và phần tổng sản lượng nội địa -- là một tiến trình kinh tế bình thường, đã khai mào từ lâu trước khi Trung Quốc vươn lên thành một ông trùm sản xuất. Theo quan điểm của họ, tình trạng thu hẹp này vẫn cứ xảy ra và thật sự là một dấu hiệu lành mạnh, chứng tỏ khu vực này không cần phải bề thế thì mới sản xuất được và tuy là mất nhiều lao động phổ thông, nhưng lại tạo được nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao.
Ông Behravesh của Global Insight là một trong những người xem việc Trung Quốc vươn lên là chuyện bình thường, thậm chí là lành mạnh. "Theo quy luật tự nhiên, các quốc gia đi từ nông nghiệp đến sản xuất công nghiệp rồi dịch vụ, "ông ấy nói. "Trợ cấp cho sản xuất công nghiệp là thúc đẩy [Hoa Kỳ] lùi xa khỏi quỹ đạo đó."
Nhưng còn một trường phái tư tưởng nữa – thường được gọi hơi hài hước là "phái chính thống trong sản xuất công nghiệp" – cho rằng việc Hoa Kỳ suy thoái không phải là chuyện tự nhiên và cần phải đảo ngược lại để duy trì sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Theo cách nhìn của họ, điều đó đòi hỏi phải chống lại chính sách của Trung Quốc trong việc trợ cấp cho các mặt hàng xuất khẩu rẻ tiền, rót đầy cho hàng loạt ngành từ hàng dệt cho đến vỏ xe.
"Nếu cho rằng chúng tôi có thể là một xã hội phi sản xuất thì quả là sai bét," theo cách nói của Peter Morici, nhà kinh tế học thuộc Đại học Maryland. "Chính cái ngụy thuyết này đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều nền văn minh."
Chính quyền Obama đang thận trọng bước qua bãi mìn này. Trong cuộc hội nghị kéo dài hai ngày hồi tuần trước, trọng tâm trong phiên họp đầu tiên của một diễn đàn mới là xúc tiến hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai quốc gia, chính sách quản lý tiền tệ gắt gao của Trung Quốc gần như không được nhắc tới mặc dù nó là vấn đề gây tranh cãi cho nhiều nhà sản xuất tại Hoa Kỳ và lao động có tổ chức. Họ biện luận rằng Trung Quốc định giá thấp cho tiền tệ của mình là để có được ưu thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình, nghĩa là sang đất Mỹ thì sẽ bán với giá rẻ hơn.
Hội đồng công thương Hoa Kỳ, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ, buộc tội chính quyền Obama đã "ôm gấu trúc (thân mật với Trung Quốc). "Đầu năm nay, chính quyền này đã dịu giọng về vấn đề này khi họ không chịu gọi Trung Quốc là kẻ thao túng thị trường tiền tệ.
John Engler, chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Toàn quốc, nói ông ấy không mong Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ trước năm 2020. "Có thể họ vẫn phát triển nhanh như thế, mà cũng có thể là không," ông ấy nói thế. "Thách thức của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ nặng ký cỡ nào là tùy theo cách phản ứng của chúng ta," chẳng hạn như triển khai các chính sách thuế khoá và đầu tư nhằm khuyến khích các nhà sản xuất trong nước bung ra làm ăn.
Nhóm của ông Engler đang đối mặt với một vấn đề tế nhị về Trung Quốc ngay trong nội bộ của mình: Nhiều thành viên nặng ký của nhóm này đang sản xuất ở Trung Quốc và muốn tránh tranh cãi về vấn đề mậu dịch, trong khi các thành viên nhẹ ký nhưng lại là số đông trong nhóm này thì hay thẳng thắn phê bình Trung Quốc.
Dù có bị sa sút thì sản xuất công nghiệp vẫn là một phần lớn đáng chú ý trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Khu vực này tạo được hơn 13% GDP của cả nước, đâm ra là đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn hẳn so với ngành bán lẻ, ngành tài chính hoặc y tế. Ở Trung Quốc, sản xuất công nghiệp mang lại 34% cho GDP.
Tuy thế, người ta vẫn lo ngại rằng các nhà sản xuất của Hoa Kỳ đang ê ẩm vì tình trạng kinh tế suy thoái sẽ không bao giờ vươn dậy được. J.B. Brown, chủ tịch Bremen Castings Inc., một xưởng đúc thuộc sở hữu gia đình ở Bremen, Ind., nói tình trạng suy thoái này đã kiềm hãm cái triển vọng hồi năm ngoái về việc sản lượng công nghiệp sẽ vuột khỏi tầm tay Trung Quốc để quay về với Hoa Kỳ.
"Tôi thấy có nhiều người bắt đầu cân nhắc xem có nên ra nước ngoài nữa hay không," ông ấy nói, một phần vì chi phí đang tăng vọt ở Hoa Kỳ ngay trong giai đoạn suy thoái nhất. Ông ấy lưu ý, chẳng hạn như tiền điện của Bremen tăng vọt 17% năm nay -- và công ty này đã được cảnh báo rằng năm tới còn tăng lên nhiều nữa. Các xưởng đúc như Bremen dùng điện rất nhiều để nung kim loại.