Vào năm 1883, một kỹ sư đầy sáng tạo tên là John Roebling đã nung nấu ý tưởng xây một cây cầu ngoạn mục nối liền New York với Long Island. Tuy nhiên những chuyên gia cầu đường trên thế giới nghĩ rằng đó là chuyện không khả thi và khuyên Roebling nên quên cái ý tưởng đó đi. Vì rằng nó không thể thực hiện được. Nó không thực tế. Chưa từng có người nào làm như thế trước đây.
Roebling không thể gạt đi hình ảnh về cây cầu trong tâm trí mình. Ông cứ mãi nghĩ về nó và tận đáy lòng mình ông biết nó có thể thực hiện được. Ông cần phải chia sẻ mong ước này với ai đó. Sau nhiều lần thảo luận và thuyết phục, ông đã khiến cậu con trai Washington của mình, một kỹ sư đầy triển vọng, tin rằng thực sự có thể xây được cây cầu đó.
Lần đầu tiên hợp tác với nhau, hai cha con đã phát triển những khái niệm về cách hoàn thành cây cầu và cách vượt qua mọi trở ngại. Tràn đầy niềm phấn khích và cảm hứng, cùng với lòng hăng say trước một thách thức ngông cuồng, họ đã thuê một nhóm nhân công và bắt đầu xây cây cầu mơ ước của họ.
Dự án khởi đầu tốt đẹp, nhưng chỉ sau vài tháng thi công một tai nạn thảm khốc đã xảy ra tại công trường cướp đi mạng sống của John Roebling. Washington bị chấn thương một phần não bộ và đã khiến ông không thể đi lại, nói chuyện hay thậm chí là cử động được nữa.
"Chúng tôi đã bảo họ rồi."
"Những kẻ điên rồ và giấc mơ điên rồ."
"Thật ngu xuẩn khi đeo đuổi những ảo tưởng ngông cuồng."
Mọi người đã đưa ra những lời chỉ trích tiêu cực và cảm thấy rằng dự án nên bị huỷ bỏ vì chỉ có cha con nhà Roeblings là những người duy nhất biết làm thế nào để xây cây cầu này. Mặc dù bị tàn phế nhưng Washington không bao giờ nản lòng. Trong ông vẫn còn nung nấu một niềm đam mê cháy bỏng hoàn thành cây cầu và trí óc ông vẫn còn rất minh mẫn như xưa.
Ông cố truyền cảm hứng và lòng nhiệt huyết của mình cho vài người bạn của mình, nhưng họ đều nản chí trước nhiệm vụ này. Khi đang nằm trên giường trong bệnh viện, nhìn những tia nắng xuyên qua ô cửa sổ, cảm nhận một làn gió nhẹ thổi tung bay tấm rèm trắng mỏng tang, qua đó ông có thể nhìn thấy bầu trời và những ngọn cây bên ngoài dù chỉ trong chốc lát.
Dường như điều đó mang đến cho ông một thông điệp không được đầu hàng. Bất ngờ một ý tưởng nảy ra trong đầu ông. Tất cả những gì ông có thể làm là cử động một ngón tay và ông quyết định tận dụng nó một cách triệt để. Bằng cách cử động ngón tay, dần dà ông đã có thể giao tiếp được với người vợ bằng một thứ “mã ngôn ngữ”.
Ông chạm vào cánh tay của vợ bằng ngón tay đó, ngụ ý với bà rằng ông muốn bà gọi những kỹ sư đến gặp ông một lần nữa. Cũng bằng phương pháp đó, ông gõ vào cánh tay của vợ để ra hiệu những kỹ sư biết phải làm gì. Dường như điều này thật ngu ngốc nhưng dự án lại tiếp tục được thực hiện.
Trong 13 năm trời Washington dùng ngón tay của mình gõ vào cánh tay vợ ông chỉ những hướng dẫn cho đến khi cuối cùng câu cầu cũng được hoàn tất.
Ngày nay cây cầu Brooklyn ngoạn mục sừng sững đứng đó trong huy hoàng như để tưởng nhớ đến chiến thắng của một người đàn ông với ý chí bất khuất và lòng quyết tâm không hề bị lung lay bởi nghịch cảnh. Nó cũng là một sự tri ân đến với những kỹ sư và tinh thần làm việc tập thể của họ, và niềm tin mà họ đã đặt vào người đàn ông bị cả nửa thế giới xem là một kẻ điên loạn. Nó cũng đứng đó như một tượng đài hữu hình về tình yêu và sự tận tuỵ của người vợ đã ròng rã suốt 13 năm kiên nhẫn giải mã những thông điệp của chồng và chuyển tải chúng đến những kỹ sư.
Có lẽ đây là một trong những minh chứng hùng hồn nhất về thái độ không bao giờ đầu hàng số phận giúp con người vượt trên sự tàn phế khủng khiếp của cơ thể để đạt được mục tiêu tưởng chừng không thể thực hiện được.
Nhiều khi chúng ta đối mặt với những trở ngại trong cuộc sống hằng ngày, dường như chúng có vẻ rất nhỏ nhoi nếu so sánh với những gì mà nhiều người khác đang phải đối mặt. Cây cầu Brooklyn đã chứng minh cho chúng ta thấy được những giấc mơ dường như không khả thi có thể trở thành hiện thực bằng lòng quyết tâm và sự kiên định bất chấp mọi thử thách.