Tác giả: James Lamont ở New Delhi và Kathrin Hille ở Beijing
Phát hành: 12 tháng 8, 2009 18:41
Các học giả Ấn Độ đang kịch liệt phản đối điều họ cho là lời kích động hô hào đưa Ấn Độ đến chỗ cáo chung bởi một tác giả Trung Quốc.
"Trung Quốc có thể chia cắt cái gọi là “Liên bang Ấn Độ” chỉ bằng một động thái nhỏ !" bài viết được đăng vào tuần trước trên mạng China International Strategy Net, mạng thông tin yêu nước tập trung vào các vấn đề chiến lược, đã quả quyết như vậy.
Người viết lấy bút danh là Zhanlue (tiếng Hoa nghĩa là “chiến lược”) đã biện luận rằng ý thức đoàn kết dân tộc của Ấn Độ còn yếu và để loại bỏ một đối thủ mới nổi lên và mối đe doạ an ninh, chọn lựa tốt nhất của Bắc Kinh là ủng hộ lực lượng của những người theo chính sách ly khai, chẳng hạn như những lực lượng trong Assam, để gây ra sự sụp đổ của Liên bang Ấn Độ.
"Một bầu trời không thể có hai mặt trời, " Zhanlue viết như thế. " Trung Quốc và Ấn Độ không thể thật sự hoà hợp với nhau được." Bài báo gợi ý rằng nên chia Ấn Độ thành 20 đến 30 nhà nước có chủ quyền.
Đó là sự phản đối kịch liệt đối với bài báo mà trong đó chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố nhằm trấn an dân chúng rằng quan hệ với Trung quốc vẫn êm đẹp.
“Có vẻ như bài viết này là một cách bày tỏ ý kiến cá nhân và không phù hợp với lập trường chính thức của Trung Quốc về quan hệ Trung Ấn đã được truyền đạt đến chúng ta nhiều lần, kể cả ở cấp cao nhất, gần đây nhất bởi Cố vấn Quốc gia Dai Bingguo trong chuyến viếng thăm Ấn Độ tuần rồi,” Bộ Ngoại giao ở New Delhi đã tuyên bố như vậy trong một thông báo có nhắc đến cam kết giữa hai bên là sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Bài viết được công bố cùng một lúc với các cuộc hồi đàm giữa Bắc Kinh và New Delhi về vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn đang bị tranh chấp. Đầu năm nay, Trung Quốc đã hoãn việc tài trợ cho dự án Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Arunachal Pradesh, một bang của Ấn Độ bị Trung Quốc cho là “miền nam Tây Tạng”. Ấn Độ cũng đã cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc vì họ đang cố gắng giữ cho nền kinh tế của họ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái toàn cầu.
Các viên chức ở Bắc Kinh và Delhi vẫn có những quan điểm về tương lai đối địch nhau, bên nào cũng tự xem mình là đang đeo đuổi mô hình phát triển chính trị và xã hội bền vững hơn. New Delhi cho rằng nhà nước Trung Quốc thống nhất và độc đảng nhất định sẽ bị sụp đổ.
DS Rajan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Chennai, đã làm cho đồng bào của mình phải chú ý đến bài khảo luận này. “Mọi người thường thấy Trung Quốc đang nói nước đôi. Các nhà ngoại giao của họ đã luôn tỏ ra hiểu biết trong vấn đề giao dịch với những người tương nhiệm Ấn Độ của họ, thế nhưng các phương tiện truyền thông chọn lọc của Trung Quốc đang trút nọc độc vào Ấn Độ qua những lời tuyên bố của họ.”
Mạng China International Strategy Net được điều hành bởi Kang Lingyi, người đã từng tấn công các trang web của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1999 sau khi Hoa Kỳ dội bom vào đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade. Các trang web như là trang web của anh ta đều nằm trong chiến lược của Đảng Cộng sản nhằm cho phép chủ nghĩa dân tộc bành trướng để củng cố tính hợp pháp chính trị của Đảng.
Theo Jeremy Goldkorn thuộc trang web Danwei.org, thật ra bài khảo luận này đã được bàn luận nhiều trong cộng đồng viết blog Trung Quốc dưới nhiều hình thức khác nhau, ít nhất cũng từ năm 2005 đến nay, chuyện này đã không được bài báo của FT, hoặc có thể là của Rajan, nhắc tới.
Ban đầu, có vẻ lạ ở chỗ một bài khảo luận trên một trang web có tính dân tộc chủ nghĩa lại có thể gây rùm beng như thế. (Cứ tưởng tượng nếu có ai đó chỉ cần nhìn thoáng qua, chẳng hạn như, WorldNetDaily, mà đã cố rút ra kết luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ)
Nhưng xét theo mức độ chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt nội dung trực tuyến không vừa ý họ, thì họ khó có thể phân bua khi những bài viết xuất hiện trên mạng Internet của Trung Quốc bị người ta cho là có sự tán thành ngầm của chính phủ.