Cục Y tế Dự phòng và Môi trường đã dự báo nhiều dịch bệnh sẽ tiếp tục phát tán rộng khắp vào năm 2010, đặc biệt là trong suốt mùa đông xuân, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, cục trưởng đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Theo dự báo thì diễn biến dịch bệnh năm 2010 sẽ tiếp tục phức tạp, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo gì đối với cộng đồng, thưa ông?
Tiến sĩ Nga: Bộ Y tế đã khuyến cáo tất cả mọi người dân sống ở vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của cúm A/H1N1 hoặc cúm A/H5N1 cần đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các nhà chuyên môn nhấn mạnh rằng bệnh viện nên tiến hành xét nghiệm hết các bệnh này ngay cả trong trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi.
Dịch cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 đang có nguy cơ phát tán và lây lan cho con người, đặc biệt là với những người có sức đề kháng yếu. Thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho những loại vi rút này phát tán và biến chuyển.
Việt Nam vẫn rất cần phải cảnh giác cao độ vì Tổ chức Y tế Thế giới vẫn còn cảnh báo về nạn dịch còn diễn biến phức tạp liên quan đến những nước lân cận có số ca tử vong tăng. Cả hai loại vi rút cúm A/H1N1 và A/H5N1 là những loại vi rút rất có khả năng biến chủng, điều này làm cho ngành y tế phải đối mặt với nhiều thách thức nặng nề hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng kêu gọi Ban chỉ đạo Phòng chống Cúm gia cầm Quốc gia tăng cường theo dõi, kiểm tra và điều trị. Người ta dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ bùng nổ vào tháng tư hoặc tháng năm vì thế ngay từ đầu tháng hai ngành y tế sẽ phải triển khai cách khống chế dịch.
Phóng viên: Đối mặt với những thách thức nặng nề của dịch bệnh, Bộ Y tế có kế hoạch ứng phó như thế nào?
Tiến sĩ Nga: Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2010, với mục tiêu là tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về việc kiểm soát các bệnh dịch để kiềm chế phát tán rộng ra và giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do cúm A/H1N1. Bộ cũng đã vạch ra một số giải pháp trọng tâm để đối phó với một số bệnh dịch nguy hiểm.
Để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch cần có sự phối hợp đồng bộ giữa tất cả các cơ quan nhà nước, các phòng ban và toàn thể chính quyền địa phương để khuyến khích người dân giám sát bệnh dịch và tăng cường các biện pháp để đối phó với căn bệnh chết người này. Tất cả các địa phương phải tìm các ổ dịch mới và các trường hợp nặng nguy cấp, xác định các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao và chống dịch theo sự chỉ đạo của Nhà nước. Việc tăng cường dự trữ thuốc Tamiflu và Osetemivir cũng rất cần thiết.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cũng đã viện trợ cho Việt Nam 1.200.000 liều vắc-xin cúm A/H1N1 và nước ta cũng đã mua thêm 500.000 liều nữa. Tiêm chủng vắc-xin ngừa cúm này ưu tiên đầu tiên cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao, như phụ nữ đang mang thai và công nhân y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H1N1.
Trong khi đó, vắc-xin cúm A/H5N1 hiện chưa có mặt trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Loại vắc-xin này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Tuy nhiên tại Việt Nam, các thử nghiệm mới đây trên con người đã bước đầu cho kết quả tốt. Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 cũng đã công bố rằng sau thử nghiệm trên người thì vắc-xin H5N1 sẽ được sản xuất trên quy mô lớn.
Để đối phó với dịch sốt xuất huyết, chúng ta đã chi 84 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Uỷ ban phòng chống dịch sốt xuất huyết ở các tuyến tỉnh, huyện cũng đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Phóng viên: Vậy ông có thể cho biết chi tiết thêm về chiến dịch tiêm chủng không?
Tiến sĩ Nga: Sau khi nhận số lượng vắc-xin này, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm để xem độ an toàn rồi sau đó sẽ cho tiêm thí điểm tại một số địa phương trước khi triển khai chiến dịch tiêm rộng rãi cả nước. Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh và thành phố lên danh sách người có nguy cơ mắc bệnh cao để họ được ưu tiên tiêm chủng vắc-xin trước tiên. Hơn nữa, Bộ Y tế đã có quy định ban hành về việc sử dụng vắc-xin, khu vực thích hợp để tiêm chủng và cách bảo quản vắc-xin tiêm chủng rồi.
Số vắc-xin tiêm một liều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hứa viện trợ cho Việt Nam là của công ty GSK. Tổ chức WHO đã thẩm định đây là loại vắc-xin an toàn. Tại Canada, 23 triệu người đã được tiêm vắc-xin này, trong đó có 7 trường hợp có phản ứng nhưng không nặng. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng các nhà sản xuất vắc-xin và chính tổ chức này sẽ không chịu trách nhiệm nào về pháp lý trong trường hợp tiêm vắc-xin xảy ra phản ứng./.