(Đã qua hiệu đính)
OTTAWA - Tổng thống Barack Obama tìm cách hâm nóng thêm mối quan hệ với người hàng xóm phương bắc tuyết phủ của Mỹ vào hôm thứ Năm vừa rồi bằng cách thôi yêu cầu Canada, một nước vốn đã mệt mỏi vì chiến tranh, phải tích cực hơn nữa ở Afghanistan, và hứa rằng ông sẽ không để bất cứ một người ủng hộ chế độ bảo vệ mậu dịch nào nhúng tay vào chính sách thương mại của Hoa Kỳ và trấn an về những vấn đề năng lượng gay go.
Đám đông vui mừng vì Obama đã hoan nghênh chuyến viếng thăm kéo dài bảy giờ của ông, chuyến đi đầu tiên của ông ra khỏi biên giới Hoa Kỳ trên cương vị tổng thống Mỹ. Đáp lại sự đón tiếp nồng nhiệt này, tổng thống đã dừng chân trong chốc lát tại một ngôi chợ có mái che của Canada, làm các chủ cửa hiệu nơi đây sung sướng khi mua bánh ngọt và quà lưu niệm cho các cô con gái.
“Tôi yêu đất nước này và nghĩ rằng chúng tôi không thể nào có được một người bạn và đồng minh tốt hơn” Obama đã phát biểu khi ông xuất hiện sóng đôi với thủ tướng Canada Stephen Harper tại toà nhà Quốc hội được xây dựng theo phong cách gô-tích. Đến lúc bị trượt nhẹ khi bước lên phi cơ, ông đã đùa rằng thời tiết này làm ông nhớ về Chicago.
Đến lượt Harper trải thảm đỏ đón chào tân tổng thống Hoa Kỳ. Vị lãnh đạo Đảng Bảo thủ này đã từng rất gần gũi với tổng thống George W. Bush, về mặt cá nhân cũng như về chính sách. Nhưng ông cũng khôn khéo nói ngược lại rằng bây giờ ông và đất nước mình nay đang gắn bó với Obama, một tổng thống được nhiều người ủng hộ hơn.
Gợi nhắc rõ ràng phong cách ngoại giao đơn phương của Bush, Harper phát biểu “Như tất cả chúng ta đã biết, một trong những sứ mệnh trọng đại của Tổng thống Obama là tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng thiên về cộng tác nhiều hơn”.
Tuy thế, gạt qua một bên những ngôn từ ngoại giao hoà nhã, vẫn còn một số khác biệt sâu sắc giữa Hoa Kỳ và đối tác thương mại lớn nhất đồng thời là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Hoa kỳ. Có một vài đề tài mà Obama nặng phần trấn an, trong khi Harper lại phát biểu ngắn gọn nhưng không kém phần sắc sảo.
Chẳng hạn như về cuộc chiến 7 năm ở Afghanistan, nhà lãnh đạo Canada cho rằng các lực lượng của Hoa Kỳ và NATO chống lại cuộc tái bạo loạn của phe Taliban không theo “đúng nỗ lực riêng của chúng tôi nhằm thiết lập hoà bình và an ninh ở Afghanistan”. Trước việc chính phủ Obama cam kết xem xét toàn diện chiến lược của Hoa Kỳ tại Afghanistan, Harper đề nghị rằng mọi chính sách mới “đều nên gợi ý về ngày kết thúc, về việc giao cho Afghanistan tự giữ gìn an ninh, và giao cho nhóm phương Tây mạnh hơn lo phát triển kinh tế cho Afghanistan.”
Về những bãi cát dầu to lớn của Canada, Harper cho rằng quy định về hạn chế khí thải mà các nhà bảo vệ môi trường muốn Obama hỗ trợ sẽ không công bằng khi so sánh với ngành than của Hoa Kỳ. Ông phát biểu “Rất khó áp dụng hệ thống quy định cứng nhắc ở đây, khi mà chúng tôi đang phải cạnh tranh với nền kinh tế không theo luật lệ gì cả ở biên giới phía nam”.
Về mậu dịch, Obama cam kết rằng trước sau gì ông cũng tìm cách thay đổi Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ năm 1994 để đẩy mạnh việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường và lao động – tuy nhiên ông cũng cho biết rằng cách thức cải đổi “sẽ không phá vỡ quan hệ mậu dịch đặc biệt quan trọng giữa Hoa Kỳ và Canada.”
Thủ tướng Harper cho biết ông sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải bằng cách “mở toàn bộ NAFTA và giải quyết những gì được xem là một hiệp định vô cùng phức tạp như vậy”
Ông cũng đưa ra một cảnh báo tương tự đối với điều khoản “Mua hàng Mỹ” rằng Quốc hội đã đưa vào chương trình kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ đô la Mỹ. Sự thông qua điều khoản này ứng với nỗi lo sợ nhiều hơn nữa của giới mậu dịch tự do Canada về việc Mỹ đang vun đắp cho một khuynh hướng bảo hộ mậu dịch vì nền kinh tế của nó đang suy thoái và khiến cho bao nhiêu người phải thất nghiệp.
Harper phát biểu “Chúng tôi mong Hoa Kỳ làm đúng các nghĩa vụ quốc tế của họ.”, “Tôi không thể nhấn mạnh chúng ta làm việc đó quan trọng đến mức nào”
Còn một điểm bất đồng nữa là việc Hoa kỳ yêu cầu tăng cường an ninh sau sự kiện 11 tháng 9 dọc theo biên giới của hai quốc gia đã làm cho việc qua lại biên giới trở nên khó khăn hơn. Harper cho rằng không cần ai dạy Canada bài học về khoản đó: “Từ 9/11 đến nay, chúng ta không chỉ đầu tư rất nhiều về an ninh và an ninh dọc theo biên giới của chúng ta, mà ngay cả quan điểm của chính phủ này cũng rất rõ ràng: Hiểm hoạ đối với Hoa Kỳ cũng tức là hiểm hoạ đối với Canada”.
Obama liên tục sử dụng phương pháp không đối đầu.
Về mậu dịch, ông tuyên bố rằng ông đã nói với Harper: “Tôi muốn phát triển mậu dịch chứ không phải thu hẹp mậu dịch”.
Về vấn đề Afghanistan, Obama đã tự ý nói rằng ông không yêu cầu thủ tướng phải cam kết thêm bất cứ điều gì về phía Canada. Chỉ có một nhúm quốc gia, trong có Canada, là đang kiên trì nỗ lực ở đó bằng cách chiến đấu ở các tỉnh miền nam và miền đông nguy hiểm của Afghanistan. Canada đã mất hơn 100 người ở Afghanistan, nên sẽ rút 2.500 lính tác chiến của họ ra khỏi miền nam đang bất ổn trong năm 2011.
"Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo một điều là chúng tôi đã nói cảm ơn các bạn," Obama nói.
Tổng thống công bố đầu tuần này ông sẽ gởi thêm 17.000 binh sĩ Hoa Kỳ đến Afghanistan để tăng cường cho 33.000 binh sĩ đã có mặt ở đó. Đó chỉ là hơn một nửa số binh lính mà các chỉ huy Hoa Kỳ yêu cầu tăng thêm, và Obama vẫn còn bỏ ngỏ (vẫn chưa dứt khoát) về những lần tăng thêm quân cho đến khi việc xem xét chiến lược được hoàn tất vào cuối tháng ba.
Về vấn đề cát dầu, Obama có lẽ đã lấy được cảm tình của ông Harper khi gắn các vấn đề môi trường của nền kỹ nghệ Canada với những vấn đề của ngành than Hoa Kỳ.
Các viên chức trong ngành ước tính các bãi cát dầu ở miền bắc Alberta có thể cung cấp đến 175 tỉ thùng dầu, đưa Canada trở thành nước đứng thứ hai sau Saudi Arabia về trữ lượng dầu thô. Tuy nhiên, quy trình khai thác dầu tạo ra một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bị kết tội là gây ra sự thay đổi khí hậu. Các nhóm bảo vệ môi trường muốn Obama phản đối lại nỗ lực của Harper trong việc cho họ được miễn chấp hành những quy định đó.
Thay vì vậy, Obama lại tập trung vào ý tưởng phát triển phương pháp thu giữ các-bon nhằm góp phần biến các bãi cát thành nguồn năng lượng sạch, một công nghệ chưa được kiểm chứng rộng rãi và cũng chưa chắc có hiệu quả kinh tế để chôn khí thải độc hại xuống lòng đất.
Đề tài này tuy nhỏ nhặt nhưng lại là đề tài duy nhất có được sự nhất trí. Các nhà lãnh đạo nói rằng họ đã quyết định bắt đầu một cuộc đối thoại năng lượng sạch mới để xúc tiến công nghệ hạn chế các-bon và phát triển mạng lưới điện hiện đại.
Các Tổng thống gửi tín hiệu cho thấy lựa chọn về những chuyến công du quốc tế đầu tiên của họ, và với hành động đặt chân đến quốc gia này, Obama muốn cho thấy rằng năng lượng và Afghanistan là những vấn đề quan tâm hàng đầu của ông.
Nhưng với nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong thời kỳ suy thoái không kiểm soát nổi, ông quyết định không ở lại lâu dù chỉ là ở lại để dùng bữa tối.
Công chúng Canada dường như không ngại mất mấy tiếng đồng hồ đi xe buýt để đến thủ đô tuyết phủ với hy vọng được nhìn Tổng thống Obama dù chỉ là nhìn lướt qua. Đám đông hàng trăm người bắt đầu tụ họp vào lúc 4h sáng tại quảng trường bên ngoài Quốc hội, hoan hô ầm ĩ khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vẫy tay trong giây phút từ phía sau vách ngăn rồi mất hút vào bên trong với ông Harper. Trên lộ trình đi của đoàn xe hộ tống Obama, một người phụ nữ đã giơ lên tấm bảng “Vâng chúng tôi là Canada”, một ám chỉ bông đùa khẩu hiệu vận động tranh cử của Obama.
Chuyến công du của Obama cũng có một sơ suất nhỏ. Trong lúc xuất hiện bên cạnh Harper, Obama bắt đầu bày tỏ niềm vui lớn lao của ông khi được đến nơi ông định nói là “Iowa”, và rồi ông nhanh chóng sửa lại là “Ottawa”
Đây là ngày mang lại cho Tổng thống Obama kinh nghiệm đầu tiên về các nghi thức long trọng trong chuyến công du nước ngoài của một tổng thống.
Hai hàng cảnh sát đi ngựa hoàng gia Canada mặc áo choàng đỏ tươi đứng nghiêm trong màn tuyết lất phất ở phi trường. Obama được đại diện của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Michaelle Jean, chào đón. Ông đã đưa Obama vào bên trong nhà ga để trò chuyện trong giây lát. Cũng trong phòng này, khi kết thúc chuyến viếng thăm của mình, Obama cũng đã gặp Michael Ignatieff, lãnh tụ của Đảng Tự do (đảng đối lập). Trong suốt chuyến đi của ông, quốc kỳ Hoa Kỳ luôn bay phất phới bên cạnh quốc kỳ Canada.